Trở lại   Chợ thông tin Cà phê Việt Nam > XỨ SỞ CÀ PHÊ > Văn hóa Cà phê

Trả lời
 
Công cụ bài viết Kiểu hiển thị
  #1  
Cũ 14-09-2012, 10:13 AM
kim-ef kim-ef đang online
Senior Member
 
Tham gia ngày: Jun 2012
Bài gửi: 124
Mặc định Ngày mới Buôn Ma Thuột

Hệ thống quảng cáo SangNhuong.com

Trời tang tảng sáng, trên Ngã Sáu của TP Buôn Ma Thuột, mọi người đã đi lại tấp nập. Chính giữa Ngã Sáu, tượng đài chiến thắng Buôn Ma Thuột, với hình ảnh chiếc xe tăng T54 của quân giải phóng tiến vào giải phóng thành phố ngày 10-3-1975, với nòng súng vươn cao...

[ATTACH=CONFIG]23886[/ATTACH]
Ngã Sáu giờ đây không quạnh hiu như mấy chục năm trước, những ngôi nhà cao tầng đang mọc lên, ngay cả ánh bình minh cũng phải len lỏi qua các mái nhà thì mới ló ra được. Trời chưa sáng rõ, người già, trẻ em, thanh niên nam nữ,... thong thả dạo bước trên vỉa hè, người đi bộ bước nhanh bên lề đường, cánh thanh niên mới lớn thì chạy huỳnh huỵch, thỉnh thoảng mới có một chiếc ta-xi hay xe máy chạy qua. Ðối diện với Ngã Sáu về phía đông, trên sân Nhà Văn hóa Trung tâm rộng là thế mà người đứng cũng gần như không còn chỗ trống. Các cụ già mặc áo trắng đang cùng nhau luyện tập dưỡng sinh, với những bài quyền như đang tập múa; tuy tuổi cao nhưng sức các cụ còn khỏe, cánh tay vẫn mềm mại theo nhịp chân bước. Mái tóc trắng, chùm râu bạc phất phơ trước gió ban mai làm cho những khuôn mặt đã ghi dấu ấn của thời gian trở nên thanh thản tự tại.

Khuya về trên Phố núi (Ảnh AnhBee)

Xuôi theo đại lộ Nguyễn Tất Thành ra hướng bắc, con đường một chiều với sáu làn xe chạy cũng tấp nập ngược xuôi người đi bộ để đón bình minh. Gió Tây Nguyên vẫn thổi những cơn mát lạnh như nâng đỡ bước chân mọi người. Ở ngã tư Phan Bội Châu - Ðinh Tiên Hoàng, ô-tô nối đuôi nhau lưu thông trên đường, như là muốn khẳng định sự tăng trưởng của thời kỳ kinh tế phát triển. 37 năm về trước, bên trái đại lộ Nguyễn Tất Thành hôm nay là sân bay dã chiến của địch, ngổn ngang dây kẽm gai, hầm ngầm, cỏ cây và xác máy bay cháy đen thui. Còn hôm nay trên mảnh đất ấy, là những vườn hoa, quảng trường và hàng loạt ngôi nhà cao tầng đứng sừng sững giữa bầu trời trong xanh như biểu thị cho sức bật mạnh mẽ của thủ phủ Tây Nguyên trong thời kỳ đổi mới.


Sân bay Buôn Ma Thuột ngày nay trông hiện đại và lịch lãm :->(Ảnh Kiên Phạm)

Vườn hoa TP Buôn Ma Thuột, những người trung tuổi dắt theo những em bé thong thả rảo bước vòng quanh. Ði tiếp một chút là Quảng trường 10 tháng 3 rộng rãi, thoáng mát, chung quanh có hàng cây cổ thụ xum suê tươi tốt. Trên đám cỏ xanh mượt mà, các cụ bà mặc áo mầu hồng nhạt đang tập thể dục buổi sáng. Tình cờ, tôi gặp ông Nguyễn Hữu Trí - nguyên thiếu tá chỉ huy địch vận tại thị xã Buôn Ma Thuột trước ngày giải phóng, sau giải phóng ông từng giữ các chức vụ: Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, Phó Chủ tịch Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh. Tóc đã bạc quá nửa, tuổi bảy mươi rồi sao tóc không trắng cho được, nhưng bước chân của người ở cái tuổi "thất thập cổ lai hy" vẫn còn nhanh nhẹn lắm. Với giọng nằng nặng của người Xứ Nghệ, ông cho biết: "Trước đây, nơi chúng ta đang đi là đường băng sân bay, xa hơn một chút về khu khách sạn Biệt Ðiện bây giờ là hàng rào kẽm gai gài mìn rộng hàng trăm mét bảo vệ sân bay; xa chút nữa về phía đường Phan Chu Trinh thời ấy vẫn còn là rừng. Mình bám trụ dưới vùng suối Ðốc Học, thỉnh thoảng lại băng rừng qua phía này gặp cơ sở, ngày phố xá chỗ ấy chỉ lèo tèo mấy căn nhà lợp tôn. Có dịp được ôn lại kỷ niệm của những ngày gian khổ nhưng hào hùng, ánh mắt người lính già sáng lên, khuôn mặt cũng rạng ngời trước ánh bình minh: "Ngày ấy thị xã này còn nhỏ lắm, dân cư thưa thớt, rừng thì rộng mênh mông. Cách Ngã Sáu chừng bốn hoặc năm km theo đường chim bay là gặp rừng rồi. Giặc kiểm soát gắt gao, nhưng nhiều gia đình vẫn tận tình ủng hộ quân giải phóng, tìm cách móc nối, kêu gọi lính ngụy trở về với nhân dân, làm cơ sở cách mạng. Chính vì biết dựa vào dân, được nhân dân tin yêu, ủng hộ, giúp đỡ cho nên hàng chục nghìn bộ đội cùng xe tăng, khí tài, phương tiện kỹ thuật tiến vào tập kết ngay cửa ngõ thị xã mà địch như bị mù, không hay biết gì. Thành tích đó có sự đóng góp không nhỏ của những người dân rất đỗi bình thường nhưng có tấm lòng yêu nước nồng nàn. Nhiều cơ sở của ta kiên trung lắm, dù bị tù đày, tra tấn, thậm chí hy sinh, gia đình ly tán,... nhưng vẫn giữ tròn khí tiết, bảo đảm giữ bí mật đến cùng". Rồi giọng ông như hơi lạc đi, trầm xuống: "Có được một thành phố hiện đại, văn minh như hôm nay, người đi sau phải nhớ người đi trước đã đổ biết bao xương máu mới giành lại được; phải biết trân trọng quá khứ, từ đó làm nền tảng giáo dục thế hệ sau noi gương tiếp bước cha anh, gìn giữ non sông, xây dựng đất nước"... Tâm sự của ông gần như lời gửi gắm, có gì đó bùi ngùi vì thời gian và tuổi tác đến nhanh quá, ông chưa kịp thực hiện hết những dự định của mình sẽ làm sau chiến tranh.

Ông Ngô Quốc Cường, cũng là sĩ quan tham gia chiến dịch giải phóng thị xã Buôn Ma Thuột năm 1975, sau chiến tranh, ông giữ chức Trưởng Ban thanh tra Sở Lương thực Ðác Lắc, nay đã về hưu, cũng góp chuyện: "Cánh trẻ bây giờ có tri thức khoa học, có sự năng nổ nhưng hình như một số người thích làm giàu và cố làm giàu nhanh bằng mọi cách, khác với cánh bọn mình ngày xưa. Rồi chuyện người cần đất trồng cà-phê, cao-su; người cần đất xây khách sạn, siêu thị, xây ngân hàng, cần giải quyết ổn thỏa, hợp tình hợp lý, bảo đảm quyền lợi của mọi người". Anh thanh niên vùng châu thổ sông Hồng, ngày trước đã gác ước mơ làm nhà nghiên cứu khoa học, khoác ba-lô vượt Trường Sơn vào Tây Nguyên đánh Mỹ. Ngoảnh lại đã xa quê hơn 50 năm để bám trụ ở vùng sơn cước xa xôi, xây dựng quê hương mới, nhưng vẫn chưa bằng lòng với thực tại, mà còn muốn làm được nhiều hơn thế.

Đèo phượng hoàng Đắk Lắk lưu nhớ kỷ niệm 1 thời hành quân >-

Tâm sự của những người lính già tham gia trận đánh cuối cùng giải phóng thị xã Buôn Ma Thuột khi xưa và từng giữ những chức vụ quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển thành phố hôm nay hình như vẫn còn trăn trở nhiều lắm. Họ tự hào vì thành phố đã và đang phát triển mạnh mẽ, xinh đẹp hơn, hoành tráng hơn nhưng vẫn còn đó những âu lo về quy hoạch lâu dài cho thành phố trong tương lai, về lớp kế cận phải lưu tâm hơn nữa đến việc: "lấy dân làm gốc". Phó hiệu trưởng Trường trung học cơ sở Trần Bình Trọng, phường Tân Lợi, TP Buôn Ma Thuột Phan Ngọc Lĩnh, sau giờ lên lớp vẫn dành thời gian buổi chiều để chơi thể thao nói với tôi qua cách nhìn của những người sinh sau năm 1975: "Thành phố chúng ta đẹp, lại có nhiều điểm tham quan du lịch, nhưng các công trình phục vụ ngành "công nghiệp không khói" còn được ít người biết đến, như vẫn còn ở dạng tiềm năng. Mặc dù hằng năm tỉnh vẫn tổ chức các lễ hội lớn thu hút nhiều du khách, nhưng như thế vẫn chưa xứng tầm với một đô thị được mệnh danh là thủ phủ Tây Nguyên. Ngoài trồng cà-phê, chúng ta cần chú trọng khai thác dịch vụ du lịch, thu hút khách tham quan các ngọn thác như Dray Nu, Trinh nữ, Dray Sap, Thủy Tiên,... kết hợp du lịch sinh thái tại các vườn quốc gia như Gióc Ðôn, Chư Yang Sin, hồ thủy điện Buôn Kôp, Srepok, các điểm này chỉ cách thành phố từ 20 đến 40 km. Làm được như thế thì không chỉ thành phố của chúng ta, mà cả những vùng lân cận như Nha Trang, Ðà Lạt cũng sẽ cùng phát triển tạo thành một tam giác nghỉ dưỡng - du lịch: núi rừng với biển đảo". Một suy nghĩ táo bạo của một người sinh ra trên đất thép Vĩnh Linh, lớn lên tại Ðác Lắc và hôm nay là thầy giáo làm công tác quản lý giáo dục, đáng để tham vấn để hoạch định cho một hướng đi phát triển thành phố ngày mai.

Tháp eiffel BMT - Paris trong VN :">

Buôn Ma Thuột hôm nay không chỉ có khu Biệt Ðiện nằm giữa trung tâm thành phố rộng gần 10 nghìn m2, với những ngôi nhà cổ kính kiến trúc kiểu Pháp, bao bọc chung quanh là những cổ thụ hơn trăm tuổi, gốc to đến bốn, năm người ôm, là nơi du khách có thể chiêm ngưỡng và thán phục; cũng không phải chỉ có một nhà bảo tàng dân tộc mới xây dựng được xếp vào loại bậc nhất Việt Nam vì kiến trúc đẹp và đồ sộ; mà còn đó Nhà đày Buôn Ma Thuột, nơi từng giam cầm các chiến sĩ cách mạng thời tiền khởi nghĩa được giữ nguyên và tôn tạo để nhắc nhở thế hệ hôm nay về những hy sinh cha ông đã phải trải qua. Và cùng chung bờ rào với UBND tỉnh là khu tưởng niệm 100 chiến sĩ Nam tiến đã anh dũng hy sinh trong trận chiến không cân sức với quân Pháp vào ngày đầu lập nước. Nơi ấy giờ đây, hàng cổ thụ tỏa bóng mát bên tượng đài Bác Hồ với các cháu thiếu nhi.

Thời gian trôi nhanh, những đám mây hồng mỗi lúc một rực rỡ, và bầu trời cũng xanh thêm. Từng cơn gió thoảng qua mang theo hương thơm ngào ngạt của hoa cà-phê mới nở bao trùm không gian làm con người như sảng khoái thêm. Trời Ban Mê hình như cũng cao hơn. Trên đường, ô-tô, xe máy lại tấp nập ngược xuôi. Ngày làm việc mới bắt đầu với thành phố trẻ thanh bình. Ðèn đường đã tắt từ lâu. Buôn Ma Thuột là vậy, cuộc sống thanh bình không ồn ã, có nét riêng rất đặc trưng của Tây Nguyên mà không nơi nào có được. Một người bạn từ đất bắc vào thăm đã phải nói với tôi: "Ðến đây như lạc vào xứ lạ vậy!". Thành phố trẻ khi bình minh lên là đầy ắp tiếng cười. Bạn chưa đến thì hãy đến, và đã đến thì hãy một lần thức dậy cùng bình minh, chỉ cần dạo một vòng qua Ngã Sáu đến Quảng trường thành phố, chắc chắn bạn sẽ phải thốt lên: "Nơi đây thật tuyệt vời!".
Trả lời với trích dẫn


CHUYÊN MỤC ĐƯỢC TÀI TRỢ BỞI
Trả lời


Công cụ bài viết
Kiểu hiển thị

Quyền viết bài
You may not post new threads
You may not post replies
You may not post attachments
You may not edit your posts

vB code is Mở
Mặt cười đang Mở
[IMG] đang Mở
HTML đang Mở
Chuyển đến

SangNhuong.com



Múi giờ GMT +7. Hiện tại là 03:39 PM



Diễn đàn được xây dựng bởi: SangNhuong.com
© 2008 - 2024 Nhóm phát triển website và thành viên SANGNHUONG.COM.
BQT không chịu bất cứ trách nhiệm nào từ nội dung bài viết của thành viên.