Ðăng nhập

View Full Version : Sức sống của kỷ niệm .


minhduongf
17-09-2012, 04:05 PM
Kỷ niệm không bao giờ trở lại y như chính nó, nhưng nó không chết. Kỷ niệm ấy vẫn sống khỏe trong góc khuất của tâm hồn mỗi người.

1. Kỷ niệm thời trai trẻ vẫn sống trong tâm hồn một người già. Kỷ niệm thời khốn khó vẫn sống trong tâm hồn một doanh nhân thành đạt. Kỷ niệm tuổi thơ vẫn sống mãi trong lòng mỗi người lớn chúng ta. Người ta có thể quên những kỷ niệm, nhưng người ta không thể quăng nó ra khỏi tâm hồn, vì nó vẫn sống ở đấy. Lý do cũng dễ hiểu, vì kỷ niệm chính là cuộc sống của mình, một sự kiện của đời mình. Chính nó đã hình thành những dấu ấn cuộc đời mình.

2. Nhưng có một điều cần phải thấy, đó là kỷ niệm của xung quanh, kỷ niệm của người khác vẫn chung sống với kỷ niệm của mình ngay tại tâm hồn mình và ngược lại. Tất cả mọi kỷ niệm đều không trở lại nhưng chúng không chết. Điều độc đáo của kỷ niệm chính là chúng không còn, nhưng chúng vẫn sống, chúng vẫn tác động đến cuộc sống chúng ta đang sống.

24738
Tuy vậy, nhưng không phải kỷ niệm lúc nào cũng dễ chịu. Tuy nó không còn nhưng quyền lực của nó vẫn còn ở bên ngoài ta. “Điều đáng buồn chán nhất của quá khứ một con người là kẻ khác không quên nó” (O. A. Battista). Đúng thế, đó là điều cần phải biết.

Hiện tại và tương lai rồi cũng sẽ trôi về quá khứ. Quá khứ cứ như thể là cái kho tồn trữ luôn đầy thêm kỷ niệm. Nơi kho tồn trữ ấy không thể có sự thanh lý mà chỉ có sự rút tỉa kinh nghiệm cho hiện tại và tương lai. Từ kho quá khứ ấy, chúng thăng hoa thành trí tuệ của cuộc sống muôn màu muôn vẻ và chủ nhân có thể truyền lại kinh nghiệm quý báu cho lớp con cháu mai sau…

“Mẹ dặn con ra đường nhìn thẳng/
Nhưng đừng quên ngoái lại phía sau/
Nhìn thẳng để tới nhanh/
Ngoái lại đằng sau để không về muộn/
Gắng nhớ những gì cần nhớ/
Và chớ phung phí thời gian vào những cái phải quên/
Nghĩ suy nên cứng cáp/ Nói năng lại phải mềm/
Quá khứ không toàn là kỷ niệm/
Quá khứ có lúc còn buốt óc/
Quá khứ lộ thiên/
Có đá có vàng”

(Hoàng Trần Cương).

Kỷ niệm nằm vùng quá khứ, đặc biệt là kỷ niệm tình yêu, chúng không ngủ quên mà luôn thức giấc vùng dậy tác động mãnh liệt vào hiện tại.

“Kỷ niệm em/
Sống vùng quá khứ/
Nằm ngoài quyền lực thế gian/
Dạo gần đây/ Thức dậy/
Tấn công anh liên tục/
Vĩ khí là dáng vờn bồ câu/
Và nụ cười hiền thục/
Kỷ niệm em không lòng khoan dung/
Anh xin hàng/
Xin làm công dân/
Kỷ niệm em sắt đá/
Giải anh vào tù lần nữa/
Anh nằm cô đơn giữa xà lim kỷ niệm/
Rào cong cong những song sắt lông mi…”

(NPL).

3. Viết về kỷ niệm lại nhớ về kỷ niệm, nhưng đó chỉ là nỗi nhớ được chắt lọc và kết tinh. Còn xem một video quay kỷ niệm của chính mình, cảm giác thật khó tả. Kỷ niệm hiện hình rõ ràng đến từng chi tiết. Kỷ niệm được tái hiện không chê vào đâu được, vậy mà kỷ niệm vẫn cứ không còn. Phim video ấy chỉ là ảo. Tắt máy là xong, hiện thực trở lại, kỷ niệm vẫn không thấy đâu. Đến đây, vấn đề kỷ niệm lại nảy ra một ánh sáng mới. Đó là, kỷ niệm của mình có thể nằm bên ngoài mình. Và như thế, kỷ niệm của mỗi người không phải lúc nào cũng là sở hữu riêng của người đó.

4. Tóm lại, kỷ niệm bao giờ cũng có một sức sống bền bĩ, cần phải cẩn trọng, không thể xem thường.