PDA

View Full Version : Áp lực “cộng thêm”


sai-gon
14-09-2012, 04:33 PM
“Cứ sau mỗi kì thi quan trọng như chuyển cấp, đại học, số lượng học sinh bị rối loạn tâm thần càng gia tăng...

...Một trong những nguyên nhân xuất phát từ chính việc ba mẹ không có sự chia sẻ hợp lí, thương con nhưng lại tạo áp lực lớn cho con…”

KHI YÊU THƯƠNG LÀ GÁNH NẶNG

Đó là nhận định của bác sĩ Nguyễn Ngọc Quang, Giám đốc Trung tâm Giám định Pháp y Tâm thần TP.HCM về áp lực của kì vọng trong mùa thi. Và bác sĩ Quang kể lại một số câu chuyện về những “áp lực cộng thêm” này.

Một ngày hai buổi sáng sớm và tối, cô N.T. Hiền (Đà Nẵng) ngồi tụng kinh cầu cho con thi đậu đại học. Trong những bữa ăn, cô ép con ăn no căng bụng cho đủ chất dinh dưỡng trong mùa thi và thường xuyên nhắc chuyện thi cử. Chỉ sau môn thi thứ nhất, con trai cô Hiền là Hoàng (18 tuổi) té xỉu, khi tỉnh lại luôn trong tâm trạng thẫn thờ khác thường, cả nhà hốt hoảng khi bác sĩ yêu cầu đưa Hoàng đi giám định tâm thần.

30180
Tại Trung tâm Giám định Tâm thần, Hoàng cho biết, hàng ngày nghe tiếng tụng kinh gõ mõ của mẹ, cùng với việc áp lực thi cử khiến Hoàng luôn cảm thấy như có gánh nặng đè lên ngực làm bạn không thể thoải mái học hành. Không hiểu sao, khi vào phòng thi, lúc làm bài không được, Hoàng chỉ toàn nghe tiếng mẹ tụng kinh nên phần vì mệt, phần vì sợ mà té xỉu lúc nào không hay.

Một bệnh nhân khác của bác sĩ Quang là bạn T.Thanh Trúc (Đồng Nai) lại gặp áp lực do trước kì thi, bố bạn luôn nhắc đi nhắc lại: “Mày mà thi trượt thì làm ô nhục cả nhà. Tao chỉ có thể đeo mo vào mặt”. Chị của Trúc vốn học rất giỏi, hiện đang du học tại Singapore, là niềm tự hào của nhà. Nên nếu Trúc thi đại học trượt, theo bố Trúc là chuyện “không thể chấp nhận nổi”.

Khi thi xong, tự kiểm tra lại bài, tự thấy kết quả không tốt, Trúc thường xuyên đóng cửa phòng lại ngồi ủ rũ bên trong. Một lần, nghe mẹ nói với ba: “Đằng nào cũng làm bài không tốt rồi, ông đừng trách con quá, nó quẫn trí làm liều điều gì thì khổ”. Bố nói lại: “Giỏi thì chết quách đi, tốn tiền tốn gạo nuôi 12 năm chỉ ăn học mà thi đại học cũng không đậu”. Nghe lời nói “tuyệt tình” của bố, Trúc rạch tay tự tử thật. Cũng may cô bạn được gia đình đưa đi bệnh viện kịp thời.

LỜI NÓI XÉ NÁT CON TIM

Nhiều ông bố bà mẹ, sau khi con cái phát bệnh, hay nghĩ quẩn... đều rất dày vò, khổ tâm. Tuy vậy, không hiếm bậc làm cha làm mẹ khi đưa con đến phòng khám tâm thần vẫn liên tục chửi rủa con. Bác sĩ Ngô Thanh Hồi (bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương, Hà Nội) cảnh báo, điều này vô hình chung khiến bệnh tình con thêm nặng.

N.Phong (16 tuổi, Thanh Hóa) được mẹ đưa ra Hà Nội điều trị bệnh lí tâm thần vì suốt ngày bị trầm cảm, không giao tiếp với bất cứ ai. Tuy nhiên, khi thấy cách trò chuyện của mẹ Phong với con, bác sĩ phải yêu cầu đổi người chăm sóc cho bạn ấy. “Chỉ ngồi một lúc, tôi thấy bà mẹ nói chuyện không khác gì mạt sát con với những lời lẽ nặng nề, luôn miệng kêu con mình là đồ ăn hại. Với những bệnh nhân có vấn đề về tâm thần, tâm lí thì những lời mạt sát nặng nề ấy chẳng khác gì thuốc độc, làm bệnh ngày càng nặng” — bác sĩ Hồi nói.

Hoàng Vân H. (quận Tân Phú, TP.HCM) cho biết, bạn từng vào bệnh viện tâm thần trung ương 2 điều trị vào mùa hè năm lớp 10. Trước đó, suốt 9 năm liền là học sinh giỏi nhưng từ khi thi lên cấp 3 kết quả không như ý, luôn bị mẹ la rầy khiến H. bỗng dưng trở tính. H. thường xuyên cố làm ngược lại những gì mẹ nói mới có cảm giác… dễ chịu.

Luẩn quẩn mãi trong vòng tròn chống đối mẹ, chính H. và cả nhà đều bất ngờ khi bác sĩ chẩn đoán bạn bị rối loạn cảm xúc, căng thẳng thần kinh, nếu không điều trị kịp thời rất dễ đẩy tới bệnh tâm thần. Bên cạnh việc điều trị cho H., mẹ của H. cũng được bác sĩ dặn phải nhẹ nhàng, mềm mỏng khi trò chuyện hay răn dạy con điều gì. Việc bệnh tình của H. có kết quả tốt hay không, bác sĩ cho biết phụ thuộc vào chính H. và cả sự thay đổi của mẹ mình.

Kì vọng quá lớn của cha mẹ như một gánh nặng vô hình trút sang vai các em. Nhưng các em ơi, hãy bình tĩnh đặt mình vào vị trí ba mẹ để có sự thông cảm hơn, thì gánh “nặng” sẽ “nhẹ” tênh…




Theo BS.Quang, để tránh áp lực từ gia đình,các em nên coi ba, mẹ như những người bạn, tạo thói quen chia sẻ, thường xuyên trò chuyện và lắng nghe.

Một trong những nguyên nhân chính là vì phụ huynh quá kì vọng vào con cái nhưng khi không đạt kì vọng sẽ rất thất vọng và càng tạo áp lực.

Để giải quyết cái vòng luẩn quẩn ấy, ngoài việc mong đợi bố mẹ nhẹ nhàng, vui vẻ với mình, các bạn nên luôn đặt mình ở thế chủ động nỗ lực hơn. Chắc chắn không có bố mẹ nào lại trách mắng, khó chịu khi thấy con mình cố hết sức mà kết quả không như ý. Ngoài ra, hãy chia sẻ với ba mẹ về sự căng thẳng của mình và tìm cách cùng tháo gỡ áp lực đừng nên khư khư giữ trong lòng mình.

Nếu bạn khó chia sẻ với ba mẹ, hoặc chia sẻ mà không thay đổi được, hãy nhờ tới những người thân khác như anh chị, ông bà, hoặc cả thầy cô. Những đối thoại người lớn với nhau luôn có những hiệu quả nhất định.