PDA

View Full Version : Bao giờ du lịch Dak Lak trở thành ngành kinh tế mũi nhọn?


sai-gon
14-09-2012, 11:03 AM
Kỳ 1: Bức tranh du lịch: hai gam màu sáng - tối

Với vốn tài nguyên, văn hóa, lịch sử và danh thắng đa dạng, Dak Lak được xem là vùng đất có thế mạnh để phát triển du lịch. Vì thế, vào những năm 1999 - 2000, ý tưởng biến du lịch Dak Lak trở thành ngành kinh tế mũi nhọn đã được chính quyền địa phương đặt lên bàn nghị sự.

Trong đó có hội nghị chuyên đề về du lịch được tổ chức khá qui mô tại huyện Lak (đầu năm 2002)nhằm “mở đường” cho “ngành công nghiệp không khói” này bứt phá… Song đã hơn mười năm trôi qua, ý tưởng này xem ra chỉ là “giấc mơ giữa ban ngày” !

25821 Cưỡi voi du lịch sinh thái là sàn phẩm du lịch đặc thù của Dak Lak, luôn hấp dẫn du khách tìm hiểu và khám phá.


Nhìn vào bức tranh du lịch Dak Lak hiện nay, ai cũng thấy nổi lên hai gam màu sáng - tối tương phản nhau. Ông Phạm Tâm Thanh-Phó giám đốc Sở VH-TT-DL cho rằng: gam màu sáng là hạ tầng kỹ thuật của các cơ sở lưu trú và dịch vụ du lịch đã có sự cải thiện, phát triển đáng kể trong thời gian qua.

Dễ thấy nhất là trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột hiện có 45 khách sạn, trong đó có 2/3 cơ sở được Tổng cục Du lịch xếp sao, 75 nhà nghỉ đạt tiêu chuẩn, đáp ứng năng lực lưu trú cho khoảng 4.000 người cùng một lượt/ngày đêm.

Nhờ thế hoạt động du lịch kết hợp với các hội thảo, hội nghị có quy mô tầm cỡ khu vực và toàn quốc thường xuyên được tổ chức tại đây, đem lại nguồn doanh thu đáng kể cho ngành du lịch Dak Lak.

Được biết, những năm gần đây, doanh thu từ hoạt động này thường chiếm tỷ lệ khá cao, khoảng 2/3 trên tổng doanh thu của cả ngành mang lại. Chẳng hạn năm 2011, tổng doanh thu toàn ngành đạt hơn 235 tỷ đồng, trong đó thu từ dịch vụ, khách sạn đã gần 200 tỷ đồng.

Còn gam màu tối chính là sự đầu tư manh mún, chắp vá và thiếu đồng bộ tại các tour – tuyến, địa danh nổi tiếng như Hồ Lak, Bản Đôn, Gia Long-Dray Nur, Krông Bông và Krông Năng…, khiến hoạt động du lịch văn hóa – sinh thái ở đây trở nên đơn điệu, nhạt nhòa.

Trong văn bản kết luận của UBND tỉnh về việc thực hiện Nghị quyết xây dựng và phát triển Du lịch Dak Lak giai đoạn 2006-2010 và tầm nhìn đến năm 2015 của Tỉnh ủy (sau đây gọi là Nghị quyết 08) đã chỉ rõ những hạn chế, bất cập: Chưa tạo dựng được vị thế xứng đáng so với tiềm năng vốn có; sự quan tâm đầu tư cho ngành du lịch chưa nhiều và thiếu đồng bộ.

Về cơ chế, chính sách thu hút vốn đầu tư bên ngoài và nguồn lực bên trong cho ngành kinh tế quan trọng này nhiều lúc, nhiều nơi còn bị xem nhẹ, thậm chí “giẫm chân tại chỗ” đã hạn chế cơ hội phát triển của ngành du lịch.

Kết luận của UBND tỉnh về việc thực hiện Nghị quyết 08 của Tỉnh ủy còn chỉ rõ: Những người làm du lịch ở đây thật sự chưa năng động trong bối cảnh hội nhập hiện nay. Họ chưa chú tâm đầu tư, khai thác thế mạnh của mình bằng chính những sản phẩm du lịch độc đáo, có lợi thế cạnh tranh cao như du lịch văn hóa-sinh thái vốn rất đặc thù của Dak Lak.

25822 Diễn tấu cồng chiêng.


Những đánh giá trên là xác đáng, và đây cũng là điều mà những người làm du lịch ở Dak Lak cần phải nhìn nhận, suy nghĩ một cách nghiêm túc.

Qua nhiều lần tìm hiểu, làm việc với các công ty du lịch trên địa bàn như: Bamexco, Công ty Cổ phần Du lịch Dak Lak, BanDon Tourmex, Đam San, Thanh Hà… lãnh đạo các công ty đều cho rằng: Do cơ chế, chính sách đầu tư của Nhà nước, đặc biệt là sự phối hợp giữa các cấp chính quyền chưa rõ ràng, dứt khoát nên đã “trói tay” các doanh nghiệp.

Vậy trên thực tế, về phía những người có trách nhiệm đã chia sẻ những băn khoăn trên của các đơn vị làm du lịch ở địa phương mình ra sao?

Ông Vong Nhi K’so-Bí thư Huyện ủy Buôn Đôn bày tỏ quan điểm: “Chúng tôi luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi và rất ủng hộ các doanh nghiệp làm du lịch ở đây. Chỉ sợ họ không nhanh nhạy, không thay đổi tư duy trong hoạt động khai thác, kinh doanh du lịch mà thôi. Cứ cưỡi voi xong, lại cơm lam, gà nướng mãi như Banmexco, Ban Don Tourmex đã từng làm thì du khách cũng sẽ nhàm chán”.

Còn ông Cao Xuân Xảo-Phó chủ tịch huyện Lak thì cho rằng: Sự quan tâm của chính quyền địa phương có thừa, nhưng đã lâu chưa thấy hoạt động du lịch ở đây có gì mới mẻ cả.

Vừa qua, UBND tỉnh cũng đã tổ chức cuộc họp với các địa phương có các đơn vị làm du lịch đứng chân nhằm tháo gỡ một số vướng mắc về cơ chế đầu tư, giá thuê đất (bao gồm danh lam, thắng cảnh, di tích lịch sử, văn hóa…) trong hoạt động kinh doanh du lịch; đồng thời thể chế hóa một số nhiệm vụ, chức năng phối hợp giữa các doanh nghiệp với chính quyền sở tại nhằm thúc đẩy bước phát triển của ngành kinh tế quan trọng này theo hướng hiệu quả và bền vững hơn.

Rõ ràng, trên thực tế chính quyền các cấp đã rất quan tâm đến việc khai thác các thế mạnh du lịch ở từng địa phương nhằm phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội nói chung của tỉnh.

Vấn đề còn lại là các doanh nghiệp kinh doanh du lịch ở Dak Lak cần phải có tầm nhìn xa hơn và nhanh chóng thay đổi cung cách làm ăn lâu nay của mình - là không chỉ trông vào tiềm năng tự nhiên vốn có (hồ, thác, sông suối, cảnh quan) để khai thác một cách manh mún, nhất thời… mà phải có chiến lược phát triển khoa học, phù hợp và bền vững hơn.

Ở góc nhìn này, ông Phạm Tâm Thanh - Phó giám đốc Sở VHTT-DL đánh giá: Cũng vì những nguyên nhân trên mà sản phẩm du lịch ở vùng đất được thiên nhiên ưu đãi này đến giờ vẫn còn đơn điệu, nhàm chán trong con mắt của du khách.

Ông Thanh cho rằng, sản phẩm du lịch của Dak Lak còn nghèo nàn, hời hợt so với một số tỉnh trên địa bàn Tây Nguyên.

Ví dụ, cùng một thế mạnh như nhau (đa dạng, phong phú về tài nguyên văn hóa, lịch sử; sinh thái rất đặc trưng) nhưng hầu hết các doanh nghiệp làm du lịch Dak Lak không tạo dựng được hình ảnh tập trung và tiêu biểu như Lâm Đồng với cụm du lịch Dam Bri-Bảo Lộc; hay như khu du lịch Đồng Xanh-Gia Lai và khu du lịch văn hóa-sinh thái Măng Đen-Kon Tum.

Những điểm du lịch đó có phương thức và chất lượng hoạt động khác với Buôn Đôn, Hồ Lak, Cư Yang Sin hay Yok Đôn…của Dak Lak vì sự đồng bộ trong quy hoạch, đầu tư xây dựng và giới thiệu sản phẩm du lịch của họ đến với du khách thật sự lôi cuốn mọi người cùng tìm hiểu và khám phá.

Đã đến lúc vấn đề quy hoạch, thu hút đầu tư cho du lịch Dak Lak phải được xúc tiến mạnh mẽ và hiệu quả hơn.