camphat
14-09-2012, 10:14 AM
Bấy giờ Tây Nguyên đã vào đông mà cúc quỳ vẫn vàng rực khắp nơi. Phong yêu loài hoa này cũng da diết không kém gì mối tình với Thi bên bờ suối từ mùa thu năm ngoái.
Hôm ấy có việc phải ra khỏi doanh trại, khi đi ngang qua bờ suối Phong nghe tiếng khóc nhưng tưởng tiếng suối nên không để ý. Chiều về trong lúc dừng chân, tiếng khóc trong rừng chiều trở nên rõ mồn một. Tiếng khóc réo rắt dẫn Phong tìm thấy Thi. Cô gái có làn da mật ong căng mịn, khuôn mặt hiền lành và cô đơn. Thi ngước đôi mắt lên nhìn Phong, hai tròng đen, to tròn nhưng hoang dã. Cả một tuần liền, chiều nào Phong cũng ra suối ngồi với cô, bên con suối Lồ Ô. Trăng lên tới ngọn cây mà Phong chưa muốn về, hai người ngồi im lặng, thỉnh thoảng Phong hỏi, cô chỉ gật đầu, lâu lâu nói vài câu.
- Bị bắt làm vợ anh rể. Khóc mãi mà chưa hết cái buồn nên cứ khóc đấy thôi.
- Về thôi, rồi cái buồn cũng đi theo.
- Mình không về đâu, nếu phải ở chung với người mà cái bụng không ưng mày có chịu được không?
- Khóc như thế cái buồn sẽ càng nhiều mà.
Thi ngước đôi mắt lên nhìn Phong, trong mênh mang rừng chiều, cái nhìn của cô gái Gia Rai là lạ, dưới hàng mi rậm, ánh mắt ấy rực lên như đóa cúc quỳ sau cơn mưa bên bờ suối.
Hết một mùa trăng, Thi theo Phong về doanh trại. Phong dạy chữ cho cô. Có lúc chữ viết khó quá, Phong cầm tay cô lần theo từng nét, nhớ ra cô thụt vội tay lại. Phong thấy lòng mình ấm áp vô cùng.
Ngày Phong bắt cô gái đẹp nhất buôn tên Thi, có giọng nói trong veo như nước suối chảy về làm vợ, nhiều chàng trai buồn ngơ ngẩn. Thi mà cười là cái chân lũ con trai quên bước. Con gái thấy Thi cười cũng bắt chước cười theo. Có đứa trai nhìn Thi, đêm về ngủ nằm mơ được cầm tay, tỉnh dậy thấy vẫn còn sướng cái bụng. Vậy mà chị gái Ksor Hui của Thi bị con ma rừng bắt đi sớm. Thi phải đến làm vợ anh rể thay chị gái theo tục nối dây của ông bà. Thi không buồn sao được? Khi đi làm rẫy Thi cũng khóc thầm. Chưa hết buồn, Thi ra bờ suối ngồi khóc một mình. Nước mắt của Thi nhiều như lá rừng Đắc Tô mà cái bụng vẫn buồn.
23002
Tây Nguyên những ngày tháng tám, ông trời giận dữ kéo mây đen che kín cả buôn làng. Đêm tối mênh mông, đất đá trên đồi nứt ra làm cho một cục đá to như cái nhà lăn xuống. Cả buôn làng của Thi như có dịch hạch, họ đội mưa lội nước đến nhà trưởng bản họp bàn. Zàng muốn rời bản đi nơi khác, cũng như ý nghĩ của họ: Ở nơi khác trời đất chan hòa, có cái nắng, có cái gió, không có cái mưa to bão lớn thế này.
Tai họa đến rồi, chạy đi lũ làng ơi. Nhưng trước khi chạy phải bắt vạ đã chứ và người ta kéo đến đầy nhà ông Đết, cha của Thi. Ngôi nhà sàn đầu bản rung lên bần bật. Cha Thi ngồi đó, khuôn mặt ông dúm dó, ông đau lắm chớ, con chị mất, theo tục của ông bà thì con Thi phải đến làm vợ thằng anh rể nuôi mấy đứa nhỏ.
Vậy mà nó dám bỏ đi, thằng rể của ông đi tìm khắp nơi không thấy. Bọn trẻ con bảo mấy buổi chiều trước khi bỏ đi, Thi hay ngồi khóc bên bờ suối, có khi nó theo ông bà về với Zàng cũng nên? Dân làng chưa kịp tin nó về với ông bà thì có lũ bộ đội vào bản. Đứa chỉ huy phát biểu: Xin làng cho con Thi theo bộ đội, nó làm cấp dưỡng. Cấp dưỡng là gì thì ông và dân làng không thể nào biết. Vậy là con Thi không chết, nó không chết thì phải phạt vạ rồi. Ông Đết định cuối tuần trăng thì mổ trâu tạ tội với dân làng… nhưng trời đất tung hoành, cơn mưa đổ xuống….
Ông Đết thịt một con trâu bé để cúng, thêm một con trâu lớn nữa thì mưa tạnh. Trời lại cao xanh lồng lộng, đất cũng không còn nứt để đá đè chết người nữa, dân bản vui mừng như hội, họ uống rượu cần và ăn thịt ăn xôi. Zàng đã đồng ý cho con Thi theo thằng bộ đội rồi, ông vui lắm chớ. Chỉ có bộ đội Phong là tủm tỉm cười. “Trời đất đã ưu ái tặng Thi cho Phong như một món quà quý. Cô gái Gia Rai da màu mật ong, có đôi mắt đen buồn ngày càng xinh đẹp”.
Hết hai mùa trăng, rồi lại mùa trăng sau nữa, Phong dẫn Thi về xin phép dân làng, rồi nhắn gia đình ngoài Bắc vào làm lễ cưới. Anh em trong đơn vị xúm lại cất cho vợ chồng Phong một cái nhà nho nhỏ nhưng xinh xắn gọn gàng. Hằng ngày, Thi lên thư viện trông coi phòng đọc sách cho bộ đội, Phong lái xe đi chở hàng.
Hai mươi chín tuổi, Phong có thêm thằng Rin, lúc ấy thằng Ron chưa tròn hai tuổi. Nhiều đêm tỉnh dậy, nhìn ba mẹ con ôm nhau ngủ say, Phong thấy mình hạnh phúc vô bờ. Cuộc sống mây bay gió thổi, vi vu trên những con đường, Phong hứng chí làm thơ. Câu thơ nào cũng mang hơi thở của rừng, của đất, nơi Phong đang ở. Nét vẽ nào của Phong cũng có hơi hướng người con gái Tây Nguyên đêm đêm vẫn rúc đầu bên ngực Phong. Lời hát ru con của Thi ngọt ngào như con suối sau nhà. Lúc nào Phong cũng cảm thấy ngọn lửa khát khao cháy rực lên trong đôi mắt.
Tây Nguyên đang là mùa mưa… những cơn mưa tầm tã suốt đêm. Gió thốc từng đợt như muốn nuốt lấy những ngôi nhà sàn đang run rẩy trong bão gió. Trong căn nhà nhỏ bé nằm lọt thỏm giữa núi rừng Đắc Me. Phong trằn trọc không ngủ được. Thi nằm bên cạnh cũng trở mình liên tục, Thi kéo mép chăn trùm lên cổ chồng rồi nói trong cơn ngái ngủ:
- Anh đang buồn nhiều à?
Phong kéo vợ vào lòng thì thầm:
- Nếu anh đi học em có ưng cái bụng không?
- Lại đi học nữa à, cái chữ của anh nhiều như nước con sông Sê San rồi, sao còn đi học nữa?
Thương Thi quá, Phong xoa khẽ vào lưng vợ vỗ về như vỗ đứa bé:
- Cái chữ học nhiều vẫn chưa đủ, anh chỉ thương mẹ con em ở nhà khổ thôi...
Người ta bảo Hà Nội đẹp nhất vào mùa thu, Phong chỉ thấy buồn, cứ tưởng lao đầu vào học, đọc sách và viết là khuây khỏa nhưng mỗi buổi chiều tắt nắng, Phong lại chui vào phòng, đóng cửa lại, mắt chăm chắm nhìn vào trang sách, tay lật giở từng tờ mà không có chữ nào vào đầu. Xa mẹ con Thi, xa những vạt cúc quỳ cháy vàng trong chiều lạnh, đã hơn chục mùa trăng, Phong thấy chông chênh quá. Hương - cô bé cùng khóa nói với Phong, đi dạo phố sẽ bớt buồn. Muốn biết Hà Nội và hoa sữa thì phải đi ban đêm mới cảm nhận trọn vẹn vẻ đẹp của nó. Phong cũng nhận ra cái nồng nàn của hoa sữa. Cái thơm ngọt của con gái thành phố.
Rồi kỳ nghỉ đến gần, Phong trở lại Tây Nguyên một buổi chiều mùa hạ đầy nắng. Cúc quỳ héo rụi hai bên đường dẫn vào nhà. Đâu rồi thảm vàng dưới bầu trời lộng gió? Hai năm, đơn vị đổi thay nhiều quá, phòng truyền thống có thêm cô gái học trung cấp văn thư về thay Thi. Thi chuyển qua chăn đàn bò cho đơn vị. Những con bò vàng rực triền dốc, chiều chiều đủng đỉnh theo Thi trở về chuồng. Người Thi hoi hoi mùi sữa. Thi cũng không cất tiếng hát ru con như những ngày xưa nữa. Cô gái Gia Rai ngày nào rực rỡ như đóa cúc quỳ, bây giờ ánh mắt Thi không còn ánh lên như ngọn lửa cao nguyên nữa. Lần đầu tiên trong đêm cao nguyên cái mùi đắng ngai ngái của loài hoa hoang dã bỗng dưng làm Phong thấy khó chịu. Đêm xuống, Phong ôm con ngủ mặc Thi lặng im quay mặt ra phía rừng xào xạc lá. Quanh giường mùi nước tiểu của con, mùi ẩm của áo quần và cả hơi nồng nồng hắc hắc của cây rừng làm cho Phong bồn chồn thấp thỏm. Phong nhớ mùi nước hoa Pháp mỗi lần Hương gục đầu lên ngực anh.
Chưa hết kỳ nghỉ, Phong đã vội vã trở ra Hà Nội. Mùa thu này mưa sớm quá, rãnh nước dưới chân tường lại róc rách tấu lên điệu buồn nải. Mở hộp thư ra, có mấy cái trong Inbox là thư của những người biên tập ở mấy tờ báo mà anh cộng tác. Người ta không tiếc lời phê phán Phong viết sáo mòn, trống rỗng.
Nơi này anh đã gặp Hương, nơi đây anh đã nghĩ rằng sẽ viết những điều anh cho là tâm đắc. Những trang viết không núi, không rừng, không tiếng trở mình của con sông Sê San mùa nước lũ, không mùi ngai ngái đắng của cúc quỳ, không tiếng tù và gọi bản làng những đêm trăng sáng. Vậy mà… Bỗng chốc, Phong thấy nơi này sao xa lạ?
Phong mở tung cánh cửa sổ nhìn xuống đường, sân trường dập dìu những đôi nam nữ, váy áo tưng bừng. Hôm nay khai giảng năm học mới, năm học cuối cùng của Phong ở giảng đường. Phía bên kia đường, Hương vừa kịp bước vào trong xe ô tô đã đợi sẵn. Chiếc xe nhanh chóng lách đám đông rồi lao vào vùng đêm đen đặc.
Mùa này, ở Tây Nguyên, hoa cúc quỳ đã nở vàng rực rỡ.
Hôm ấy có việc phải ra khỏi doanh trại, khi đi ngang qua bờ suối Phong nghe tiếng khóc nhưng tưởng tiếng suối nên không để ý. Chiều về trong lúc dừng chân, tiếng khóc trong rừng chiều trở nên rõ mồn một. Tiếng khóc réo rắt dẫn Phong tìm thấy Thi. Cô gái có làn da mật ong căng mịn, khuôn mặt hiền lành và cô đơn. Thi ngước đôi mắt lên nhìn Phong, hai tròng đen, to tròn nhưng hoang dã. Cả một tuần liền, chiều nào Phong cũng ra suối ngồi với cô, bên con suối Lồ Ô. Trăng lên tới ngọn cây mà Phong chưa muốn về, hai người ngồi im lặng, thỉnh thoảng Phong hỏi, cô chỉ gật đầu, lâu lâu nói vài câu.
- Bị bắt làm vợ anh rể. Khóc mãi mà chưa hết cái buồn nên cứ khóc đấy thôi.
- Về thôi, rồi cái buồn cũng đi theo.
- Mình không về đâu, nếu phải ở chung với người mà cái bụng không ưng mày có chịu được không?
- Khóc như thế cái buồn sẽ càng nhiều mà.
Thi ngước đôi mắt lên nhìn Phong, trong mênh mang rừng chiều, cái nhìn của cô gái Gia Rai là lạ, dưới hàng mi rậm, ánh mắt ấy rực lên như đóa cúc quỳ sau cơn mưa bên bờ suối.
Hết một mùa trăng, Thi theo Phong về doanh trại. Phong dạy chữ cho cô. Có lúc chữ viết khó quá, Phong cầm tay cô lần theo từng nét, nhớ ra cô thụt vội tay lại. Phong thấy lòng mình ấm áp vô cùng.
Ngày Phong bắt cô gái đẹp nhất buôn tên Thi, có giọng nói trong veo như nước suối chảy về làm vợ, nhiều chàng trai buồn ngơ ngẩn. Thi mà cười là cái chân lũ con trai quên bước. Con gái thấy Thi cười cũng bắt chước cười theo. Có đứa trai nhìn Thi, đêm về ngủ nằm mơ được cầm tay, tỉnh dậy thấy vẫn còn sướng cái bụng. Vậy mà chị gái Ksor Hui của Thi bị con ma rừng bắt đi sớm. Thi phải đến làm vợ anh rể thay chị gái theo tục nối dây của ông bà. Thi không buồn sao được? Khi đi làm rẫy Thi cũng khóc thầm. Chưa hết buồn, Thi ra bờ suối ngồi khóc một mình. Nước mắt của Thi nhiều như lá rừng Đắc Tô mà cái bụng vẫn buồn.
23002
Tây Nguyên những ngày tháng tám, ông trời giận dữ kéo mây đen che kín cả buôn làng. Đêm tối mênh mông, đất đá trên đồi nứt ra làm cho một cục đá to như cái nhà lăn xuống. Cả buôn làng của Thi như có dịch hạch, họ đội mưa lội nước đến nhà trưởng bản họp bàn. Zàng muốn rời bản đi nơi khác, cũng như ý nghĩ của họ: Ở nơi khác trời đất chan hòa, có cái nắng, có cái gió, không có cái mưa to bão lớn thế này.
Tai họa đến rồi, chạy đi lũ làng ơi. Nhưng trước khi chạy phải bắt vạ đã chứ và người ta kéo đến đầy nhà ông Đết, cha của Thi. Ngôi nhà sàn đầu bản rung lên bần bật. Cha Thi ngồi đó, khuôn mặt ông dúm dó, ông đau lắm chớ, con chị mất, theo tục của ông bà thì con Thi phải đến làm vợ thằng anh rể nuôi mấy đứa nhỏ.
Vậy mà nó dám bỏ đi, thằng rể của ông đi tìm khắp nơi không thấy. Bọn trẻ con bảo mấy buổi chiều trước khi bỏ đi, Thi hay ngồi khóc bên bờ suối, có khi nó theo ông bà về với Zàng cũng nên? Dân làng chưa kịp tin nó về với ông bà thì có lũ bộ đội vào bản. Đứa chỉ huy phát biểu: Xin làng cho con Thi theo bộ đội, nó làm cấp dưỡng. Cấp dưỡng là gì thì ông và dân làng không thể nào biết. Vậy là con Thi không chết, nó không chết thì phải phạt vạ rồi. Ông Đết định cuối tuần trăng thì mổ trâu tạ tội với dân làng… nhưng trời đất tung hoành, cơn mưa đổ xuống….
Ông Đết thịt một con trâu bé để cúng, thêm một con trâu lớn nữa thì mưa tạnh. Trời lại cao xanh lồng lộng, đất cũng không còn nứt để đá đè chết người nữa, dân bản vui mừng như hội, họ uống rượu cần và ăn thịt ăn xôi. Zàng đã đồng ý cho con Thi theo thằng bộ đội rồi, ông vui lắm chớ. Chỉ có bộ đội Phong là tủm tỉm cười. “Trời đất đã ưu ái tặng Thi cho Phong như một món quà quý. Cô gái Gia Rai da màu mật ong, có đôi mắt đen buồn ngày càng xinh đẹp”.
Hết hai mùa trăng, rồi lại mùa trăng sau nữa, Phong dẫn Thi về xin phép dân làng, rồi nhắn gia đình ngoài Bắc vào làm lễ cưới. Anh em trong đơn vị xúm lại cất cho vợ chồng Phong một cái nhà nho nhỏ nhưng xinh xắn gọn gàng. Hằng ngày, Thi lên thư viện trông coi phòng đọc sách cho bộ đội, Phong lái xe đi chở hàng.
Hai mươi chín tuổi, Phong có thêm thằng Rin, lúc ấy thằng Ron chưa tròn hai tuổi. Nhiều đêm tỉnh dậy, nhìn ba mẹ con ôm nhau ngủ say, Phong thấy mình hạnh phúc vô bờ. Cuộc sống mây bay gió thổi, vi vu trên những con đường, Phong hứng chí làm thơ. Câu thơ nào cũng mang hơi thở của rừng, của đất, nơi Phong đang ở. Nét vẽ nào của Phong cũng có hơi hướng người con gái Tây Nguyên đêm đêm vẫn rúc đầu bên ngực Phong. Lời hát ru con của Thi ngọt ngào như con suối sau nhà. Lúc nào Phong cũng cảm thấy ngọn lửa khát khao cháy rực lên trong đôi mắt.
Tây Nguyên đang là mùa mưa… những cơn mưa tầm tã suốt đêm. Gió thốc từng đợt như muốn nuốt lấy những ngôi nhà sàn đang run rẩy trong bão gió. Trong căn nhà nhỏ bé nằm lọt thỏm giữa núi rừng Đắc Me. Phong trằn trọc không ngủ được. Thi nằm bên cạnh cũng trở mình liên tục, Thi kéo mép chăn trùm lên cổ chồng rồi nói trong cơn ngái ngủ:
- Anh đang buồn nhiều à?
Phong kéo vợ vào lòng thì thầm:
- Nếu anh đi học em có ưng cái bụng không?
- Lại đi học nữa à, cái chữ của anh nhiều như nước con sông Sê San rồi, sao còn đi học nữa?
Thương Thi quá, Phong xoa khẽ vào lưng vợ vỗ về như vỗ đứa bé:
- Cái chữ học nhiều vẫn chưa đủ, anh chỉ thương mẹ con em ở nhà khổ thôi...
Người ta bảo Hà Nội đẹp nhất vào mùa thu, Phong chỉ thấy buồn, cứ tưởng lao đầu vào học, đọc sách và viết là khuây khỏa nhưng mỗi buổi chiều tắt nắng, Phong lại chui vào phòng, đóng cửa lại, mắt chăm chắm nhìn vào trang sách, tay lật giở từng tờ mà không có chữ nào vào đầu. Xa mẹ con Thi, xa những vạt cúc quỳ cháy vàng trong chiều lạnh, đã hơn chục mùa trăng, Phong thấy chông chênh quá. Hương - cô bé cùng khóa nói với Phong, đi dạo phố sẽ bớt buồn. Muốn biết Hà Nội và hoa sữa thì phải đi ban đêm mới cảm nhận trọn vẹn vẻ đẹp của nó. Phong cũng nhận ra cái nồng nàn của hoa sữa. Cái thơm ngọt của con gái thành phố.
Rồi kỳ nghỉ đến gần, Phong trở lại Tây Nguyên một buổi chiều mùa hạ đầy nắng. Cúc quỳ héo rụi hai bên đường dẫn vào nhà. Đâu rồi thảm vàng dưới bầu trời lộng gió? Hai năm, đơn vị đổi thay nhiều quá, phòng truyền thống có thêm cô gái học trung cấp văn thư về thay Thi. Thi chuyển qua chăn đàn bò cho đơn vị. Những con bò vàng rực triền dốc, chiều chiều đủng đỉnh theo Thi trở về chuồng. Người Thi hoi hoi mùi sữa. Thi cũng không cất tiếng hát ru con như những ngày xưa nữa. Cô gái Gia Rai ngày nào rực rỡ như đóa cúc quỳ, bây giờ ánh mắt Thi không còn ánh lên như ngọn lửa cao nguyên nữa. Lần đầu tiên trong đêm cao nguyên cái mùi đắng ngai ngái của loài hoa hoang dã bỗng dưng làm Phong thấy khó chịu. Đêm xuống, Phong ôm con ngủ mặc Thi lặng im quay mặt ra phía rừng xào xạc lá. Quanh giường mùi nước tiểu của con, mùi ẩm của áo quần và cả hơi nồng nồng hắc hắc của cây rừng làm cho Phong bồn chồn thấp thỏm. Phong nhớ mùi nước hoa Pháp mỗi lần Hương gục đầu lên ngực anh.
Chưa hết kỳ nghỉ, Phong đã vội vã trở ra Hà Nội. Mùa thu này mưa sớm quá, rãnh nước dưới chân tường lại róc rách tấu lên điệu buồn nải. Mở hộp thư ra, có mấy cái trong Inbox là thư của những người biên tập ở mấy tờ báo mà anh cộng tác. Người ta không tiếc lời phê phán Phong viết sáo mòn, trống rỗng.
Nơi này anh đã gặp Hương, nơi đây anh đã nghĩ rằng sẽ viết những điều anh cho là tâm đắc. Những trang viết không núi, không rừng, không tiếng trở mình của con sông Sê San mùa nước lũ, không mùi ngai ngái đắng của cúc quỳ, không tiếng tù và gọi bản làng những đêm trăng sáng. Vậy mà… Bỗng chốc, Phong thấy nơi này sao xa lạ?
Phong mở tung cánh cửa sổ nhìn xuống đường, sân trường dập dìu những đôi nam nữ, váy áo tưng bừng. Hôm nay khai giảng năm học mới, năm học cuối cùng của Phong ở giảng đường. Phía bên kia đường, Hương vừa kịp bước vào trong xe ô tô đã đợi sẵn. Chiếc xe nhanh chóng lách đám đông rồi lao vào vùng đêm đen đặc.
Mùa này, ở Tây Nguyên, hoa cúc quỳ đã nở vàng rực rỡ.