PDA

View Full Version : Đà Nẵng: Sôi động du lịch biển


dacotours
30-07-2013, 10:30 AM
Du lịch (http://dacotours.com/) nghỉ dưỡng biển là một trong ba hướng phát triển chiến lược chính của ngành công nghiệp không khói thành phố Đà Nẵng. Không náo nhiệt như những điểm du lịch biển (http://dacotours.com/vi/tour/Kham-pha-Da-Nang/Du-lich-Da-Nang-bien-53/) trải dài từ Bắc vào Nam trên khắp đất nước, du lịch biển của Đà Nẵng có nét "đằm” riêng vừa đẹp đẽ nên thơ vừa văn minh, lịch sự.

http://3.bp.blogspot.com/-9S71tfmb4wU/Ufcbb2UzqSI/AAAAAAAAAgs/9KW0C4zG6Z8/s400/10_bien da nang1.jpg (http://3.bp.blogspot.com/-9S71tfmb4wU/Ufcbb2UzqSI/AAAAAAAAAgs/9KW0C4zG6Z8/s1600/10_bien da nang1.jpg)





Đầu tư đúng hướng
Thành phố Đà Nẵng có bờ biển trải dài từ chân đèo Hải Vân đến Núi Ngũ Hành Sơn vừa đẹp đẽ nên thơ như một lời mời gọi hết sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Do vậy, trong những năm qua, Đà Nẵng đã kêu gọi được nhiều dự án đầu tư vào lĩnh vực khách sạn, resort nghỉ dưỡng cao cấp…góp phần thu hút khách du lịch đến với thành phố năng động này. Dọc ven biển thành phố Đà Nẵng hiện nay đã mọc lên không ít khách sạn, khu resort... Có đẳng cấp 3 sao, 4 sao đáp ứng đủ nhu cầu nghỉ dưỡng của khách du lịch khi đến Đà Nẵng.
Trao đổi với Đại Đoàn Kết, Phó Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch thành phố Trần Chí Cường cho biết, trong những năm qua, hoạt động du lịch biển đã được thành phố Đà Nẵng hết sức quan tâm và đầu tư. Từ công tác quy hoạch, phát triển hạ tầng giao thông với 2 tuyến đường dọc theo bờ biển "đẹp lộng lẫy” là Nguyễn Tất Thành và Hoàng Sa – Trường Sa (trước đây gọi là tuyến đường Sơn Trà – Điện Ngọc).
Cũng theo ông Cường, vào cuối những năm 1990, những bãi tắm của Đà Nẵng vẫn khá hoang sơ chỉ có duy nhất Furama Resort được đưa vào hoạt động từ năm 1997 và khu du lịch Non Nước (nay là khu du lịch nghỉ dưỡng 4 sao Sandy Beach). Tuy nhiên, sau khi thành phố Đà Nẵng đầu tư xây dựng cầu sông Hàn (cây cầu quay duy nhất ở Việt Nam) và nhiều cây cầu với những biểu trưng hết sức ấn tượng cùng với đó là việc hình thành tuyến đường Hoàng Sa – Trường Sa đã mở ra một vận hội mới cho du lịch biển Đà Nẵng. "Thế là phát lộ con đường phát triển du lịch với lợi thế một dải biển xanh cát trắng mênh mông tạo sức hút mạnh mẽ các nhà đầu tư. Để đến nay, tuyến đường Hoàng Sa – Trường Sa của Đà Nẵng được ví như "con đường 5 sao” với khoảng 12 khu nghỉ dưỡng, biệt thự và sân golf liền mạch...” – Phó Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tâm sự.
Sự hình thành hàng loạt khu nghỉ dưỡng cao cấp đi liền với sự xuất hiện của các tập đoàn nổi tiếng hàng đầu thế giới trong lĩnh vực du lịch tại Đà Nẵng như Intercontinental, Hyatt, Furama, Pulman, Crown Plaza... Như một sự khẳng định rõ hơn về sức hút ngày càng tăng của "một trong sáu bãi biển quyến rũ nhất hành tinh” (tạp chí Forbes bình chọn năm 2005), tạo tiền đề cho kinh tế - xã hội Đà Nẵng phát triển.

http://4.bp.blogspot.com/-H4mODqKJnKU/Ufcbn6WWj3I/AAAAAAAAAg0/PiKsYHb3U_s/s400/10_bien da nang2.jpg (http://4.bp.blogspot.com/-H4mODqKJnKU/Ufcbn6WWj3I/AAAAAAAAAg0/PiKsYHb3U_s/s1600/10_bien da nang2.jpg)

Chuyên nghiệp và uy tín
Du lịch biển được Đà Nẵng nghiên cứu quy hoạch khá rõ nét. Các khu resort, khách sạn và biệt thự cao cấp đang dần được "phủ” đầy để mở ra hướng phát triển dịch vụ nghỉ dưỡng cao cấp và du lịch MICE (du lịch Hội nghị, hội thảo) cho ngành du lịch đà nẵng (http://dacotours.com/vi/tour/Du-lich-Da-Nang/). Thành phố Đà Nẵng đã dành toàn bộ dải bờ biển dài hơn 3km từ công viên Biển Đông đến bãi tắm Sao Biển để đầu tư các bãi tắm công cộng, với các khu tắm nước ngọt, khu vực chơi thể thao, các quầy giải khát, các cụm dịch vụ ẩm thực để phục vụ người dân và du khách.
Nhằm tạo dựng một bãi tắm công cộng an toàn, thân thiện cho du khách, từ năm 2006, Đà Nẵng đã thành lập những đội cứu hộ tại các bãi tắm du lịch (nay thuộc Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi tắm du lịch). Với đội ngũ nhân viên cứu hộ được huấn luyện bài bản (bơi giỏi, lắc thúng chuyên nghiệp – một phương tiện cứu hộ độc đáo ở biển Đà Nẵng và luôn nhiệt tình hỗ trợ du khách), các đội cứu hộ bãi biển Đà Nẵng đã và đang để lại trong lòng du khách những ấn tượng tốt đẹp và ấm áp.
Bên cạnh đó, Đà Nẵng cũng hết sức chú trọng công tác bảo vệ môi trường, coi đây là yếu tố quan trọng trong việc thu hút khách cũng như phát triển bền vững du lịch biển. Thành phố đã sớm triển khai khá nghiêm ngặt với những đề án, kế hoạch cụ thể để bảo vệ môi trường. Đến với Đà Nẵng, du khách hoàn toàn cảm thấy yên tâm khi dạo chơi, nghỉ ngơi tại các bãi tắm cát trắng – nắng vàng, chiêm ngưỡng vẻ đẹp nên thơ của thành phố biển.
Nét duyên thầm kín
Khác với quang cảnh náo nhiệt, sầm uất của các bãi tắm du lịch trải dài dọc theo đất nước, Đà Nẵng lại "nổi” lên thế mạnh du lịch biển bởi những làng chài truyền thống với vô số thuyền cá neo đậu như một nét duyên thầm kín. Việc gìn giữ ngư làng và hoạt động đánh bắt không chỉ làm phong phú vẻ đẹp cho du lịch biển Đà Nẵng mà còn tạo ra một sản phẩm du lịch hấp dẫn dành cho du khách. Điểm đặc biệt khác với du lịch biển ở những nơi khác chính là các quán hải sản bình dân bốn bề đón gió biển. Du khách có thể "đi chợ” ngay tại quán để chọn ra những món hải sản tươi ngon nhất, nhưng giá cả lại rất hợp lý chứ không hề "cắt cổ” như một số nơi. Có lẽ đó chính là lý do các quán hải sản này luôn tấp nập thực khách và càng khẳng định thương hiệu hải sản tươi sống của ẩm thực phố biển Đà Thành.
Kết nối giữa 2 tuyến đường du lịch ven biển là bán đảo Sơn Trà - khu rừng già giữa lòng thành phố trẻ. Chính thức được đưa vào khai thác du lịch từ năm 2004, nơi đây hiện đang là một tuyến du lịch hấp dẫn với những điểm đến đầy nét lịch sử và kỳ vĩ của núi rừng như: Đồi vọng cảnh, đỉnh bàn cờ tiên, sân bay trực thăng và hàng loạt điểm đến theo con đường quanh đảo như bảo tàng Đồng Đình cổ kính, Linh Ứng tự với tượng Phật Quan Âm cao nhất nước, cây đa đại thụ... Đầu năm 2013, các tuyến du lịch khởi hành bằng đường sông khai thác những bãi tắm hoang sơ của bán đảo, mở rộng các dịch vụ tour như câu cá, lặn biển ngắm san hô. Ngoài ra, nhắc đến du lịch biển của Đà Nẵng, không thể thiếu các môn giải trí biển như mô tô nước, dù kéo, bè chuối, lướt ván buồm...
Sức hút của du lịch biển Đà Nẵng đã và đang được khẳng định được vị thế. "Mặc dù đã đạt được một số thành tựu nhất định, nhưng chúng tôi chưa thể tự bằng lòng với chính mình trong hoạt động du lịch biển. Thời gian tới đây, để mục tiêu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Đà Nẵng sẽ tiếp tục đầu tư phát triển du lịch biển ngày càng hoàn thiện, tạo ra sức hút đối với du khách lẫn nhà đầu tư để vươn xa, trở thành một điểm du lịch biển xứng tầm quốc tế...” – Ông Cường chia sẻ.
Lê Anh Đức