View Full Version : Y�n B�i: C� ph� Catimo về� mo
forimex_sbc
20-09-2012, 10:14 AM
http://www.daopho.com/suntbb/uphinh/5429199122005.jpg
Chương 1: MỘT NGÀY CỦA TIỂU MUỘI
1.
Tiểu Muội còn đi học, điều đó là cái chắc. Tiểu Muội cũng có thể không đến trường, điều đó dám xảy ra. Tiểu Muội đang xin việc làm vì thất nghiệp, điều đó lại càng hợp tính thời sự. Nói chung Tiểu Muội cực kỳ biến hóa như Tề Thiên Ðại Thánh, cô muốn làm thứ dân cũng xong. Cô có đủ ba yếu tố vừa kể: đi học, không đến trường, và đang xin việc làm. Bởi vì bây giờ là nghỉ hè, mà Tiểu Muội thì chẳng muốn ở không. Mùa hè là mùa của vọng cổ và tân nhạc. Còn hỏi nữa, tiếng bầy ve buồn não ruột thì còn thấm hơn sáu câu của anh chàng kép mùi. Cô sợ điệu Nam Ai quen thuộc trên những cành phượng đỏ nên mắt cứ mở về một nơi xa xôi. Nơi chốn ấy xôn xao tiếng guốc mộc đến nỗi khua lên thành tân nhạc. Ai sẽ hát một bài ca về tuổi mới lớn? Ai sẽ làm dậy thì những thổn thức khó hiểu trong tim cô?
Chỉ cần biết hôm nay Tiểu Muội vừa mười bảy tuổi. Người ta phải làm gì khi vừa đúng mười bảy tuổi? Xin thưa, đầu tiên là phải soi gương, thi sĩ Nguyễn Nhựơc Pháp nói như vậy mà: Sớm mai đi Chùa Hương- hoa cỏ mờ hơi sương-cùng thầy mẹ, em dậy-em vấn đầu soi gương… Nhưng ở thành phố thì làm sao tìm ra Chùa Hương được, ở Sông Bé thì có Chùa Bà, ở Sài Gòn thì có Chùa Vĩnh Nghiêm, hai chùa này cô không thể nào tu dễ dàng, lại còn cái màn vấn đầu nữa Chúa ơi, Tiểu Muội chỉ có mái tóc thề, cô thích mặc áo dài chứ không thèm chơi áo tứ thân, khăn mỏ quạ, mái tóc của cô đẹp đến nỗi nhiều anh chàng chỉ muốn cướp về làm rèm cửa che chở cuộc đời mình. Vậy là xong chuyện thứ nhất: cô vừa tròn nhiệm vụ soi gương. Nào, người ta còn phải làm gì khác khi vừa đúng mười bảy tuổi? Hãy coi Tiểu Muội hành động công việc thứ hai:
- Má ơi!
- Gì đó Lụa ?
A, té ra Tiểu Muội tên Lụa, Phan Thị Tơ Lụa, sư phát hiện này tuy muộn màng nhưng lại rất giá trị đối với ngưòi nào định viết tiểu thuyết về cô.
- Má cho phép con ra phố một chút.
- Mới bảnh mắt mà đi đâu đó Gái?
A, té ra Tiểu Muội còn có tên là “Gái”, cái tên này thì chẳng tượng hình được điều gì, cái tên có vẻ nguyên thủy quá.
- Con đi xin việc làm.
- Trời đất, con mới mười bảy tuổi mà.
Cô bé Lụa mân mê cái gương soi.
- Vì mười bảy tuổi, con mới đi xin việc làm, con tìm được chỗ rồi má ơi.
Bà mê hốt hoảng chạy từ dưới nhà bếp lên, có lẽ Thượng đế đang quan sát bà mẹ. Khuôn mặt trái xoan phúc hậu, nước da trắng, chiếc áo bà ba màu mỡ gà, chỉ có vầng trán mới nói lên được trái tim người mẹ, vầng trán nhăn và chịu đựng. Bà khổ tâm nhìn công trình sống động của mình, một cục thịt đỏ hỏn qua phép lạ thời gian đã bắt đầu trổ mã. Cô bé Lụa đã trở thành một thiếu nữ hoàn toàn.
- Con không tự tiện đi một mình được đâu!
- Con đi được.
Cô quàng lưng mẹ nũng nịu.
- Má phải nhớ có người gọi con là Tiểu Muội rồi nghe.
- Ai vậy Gái?
Mặc cho bà mẹ ngạc nhiên, cô bé líu lo như chim:
- Trong chuyện, trong phim đó, má biết không? Rất nhiều cô được gọi là Tiểu Muội lúc mười bảy tuổi như con vậy.
- Toàn là chuyện tầm phào!
Bà mẹ cười một cách yên lòng:
- Nhưng con định làm cái gì, má không nuôi nổi con sao?
Lụa tự nhiên không nói được, cô bé hay muốn khóc, lát sau cô ngập ngừng:
- Con không muốn má bán bún riêu cực khổ nuôi con ăn học, con muốn… giúp đỡ má… Má từng kể cho con nghe chuyện Nhi Thập tứ hiếu, ai cũng tìm cách giúp đỡ được cha mẹ, con phải bắt chước họ… Má biết không, báo chí đăng tin có một cơ quan du lịch đang cần người, mà con thì khá sinh ngữ, con định…
Lụa không còn hứng làm thuyết trình viên được nữa vì ngó cái miệng méo xệch của má kìa, má im lặng hôn lên mái tóc còn thuộc độc quyền của bà ít ra là bây giờ. Bà nói nhỏ nhẹ:
- Má chỉ có mình con, ránh mà giữ mình, đời này nhiều cạm bẫy lắm nghe Gái, phải chi còn ba con…
Bà ngước nhìn lên bàn thờ, nhà dù nghèo mấy cũng phải cho ra nề nếp. Hồi ba Lụa còn sống, có phải ông thường thì thầm vào tai bà như thế này không: “Con gái của mình dưới gốc mận bà Tư hàng giờ. Ðâu phải nó thèm ăn mận mà chờ sung rụng vậy mà. Nhưng đâu phải nó làm biếng mà nó tin vào mơ ước của nó mãnh liệt lắm. Có lần một trái mận xanh lè rớt xuống như ý nó, em biết con Lụa làm sao không? Em coi, con mắt nó mở ra thiệt lớn, và nước mắt từ đó chảy ra. Nó bị súc động mạnh.” Lúc ông nói, bà mẹ chưa để ý đến điều đó. Bà đang hưởng hạnh phúc qua những tiếng thì thầm cho đến khi ông kết luận: “ Con gái mình sẽ làm thơ hoặc mê thơ hoặc là một nàng thơ trong tiểu thuyết, chỉ có một trạng nguyên nào đó đế xỏ mũi nó dắt đi thì con Lụa mới hết mơ mộng. Nhưng mà thời buổi này có võng anh đi trước, võng nàng theo sau không em?” Ông nói đến đó và nắm tay bà âu yếm, đúng là hai ông bà đã gặp nhau gần như chuyện cổ tích, ông ở đầu non miền Bắc, bà ở cuối nẻo phương Nam, trời bắt họ dính liền làm một, với điều kiện khác hẳn bà Âu Cơ tổ tiên là họ chỉ được quyền sinh ra một đứa con gái.
aumy.wood
20-09-2012, 10:14 AM
2.
Lụa lặng lẽ dắt xe ra khỏi nhà, không quên liếc cây mận đang mùa trái chín. Gốc mận lớn vừa bằng một vòng tay ôm của Lụa, đỏ hồng lên bởi nhưng bã trầu bà Tư nhổ ra xung quanh. Bà Tư là hàng xóm của Lụa, nói đúng ra là hàng xóm của mê cô. Bà khó tính nhưng tốt bụng, nhà bà có một cái truyền hình màu, mỗi lần có chương trình Thơ của Ðài hay tiết mục Múa trên băng là bà kêu Lụa qua ngay, bởi một lẽ cô có thể giải thích cho hai ông bà hiểu về sở thích của tuổi trẻ, về ngay bản thân cô, vừa hiếu động vừa sâu lắng.
Ðó là chuyện của cây mận còn bây giờ là chuyện của Lụa. Cô giắt vạt áo dài trắng vào dây thun yên sau và đạp x3. Ðường Nam Kỳ Khởi Nghĩa là một con đường đẹp. hai hàng cây giao nhau hai bên đường thành một trần nhà màu xanh, cây lại ít khi bị đốn hoặc bị cưa làm củi nên các thiếu nữ như cô tha hồ mà mơ mộng với lá. Nghe má nói con đường này trước đây có tên là Công Lý, nhưng tại sự ưu đãi trên có vẻ bất công với các con đường khác nên phải đổi tên. Ðúng là má chẳng biết gì về lịch sử, má thích bún riêu cạn nhanh khi trời bắt đầu đứng bóng cơ, tội nghiệp má.
Cô bé quên mất má ngay khi đèn đỏ bật lên, cũng may xe đã kịp thắng lại. Có tiếng cười của hai thanh niên chở nhau trên chiếc Honda dừng bên cạnh :
- Ðổi nhân sự đi cô bé, qua đây anh chở cho, bạn anh đi xe đạp tài lắm.
Thêm một giọng nam cao khác:
- Anh biết cách bình tĩnh trước đèn đỏ mà.
Mặt Lụa lạnh như tiền, cô quen chuyện này như quen ăn cóc trong giờ tan học. Cô bé làm lơ đưa mắt qua hướng một người xích lô già bị phạt vì dám chạy qua đường cấm. Ðường Nam Kỳ Khởi Nghĩa là đường cấm sao, thảo nào thật nhiều xe hơi và biệt thự dành cho khách nước ngoài. Chắc mấy ông làm luật lệ sợ người ngoại quốc coi thường những phương tiện thô sơ bản xứ? Thật ra Lụa và bạn bè cô gặp họ vẫy xích lô thường xuyên, họ còn có vẻ khoan khoái là đằng khác. Tội ông già bị phạt lãng nhách. Lụa tội nghiệp hết má rồi đến người phu xích lô già. Cô chưa biết số phận của mình. Rồi cô sẽ được biết thế nào là tội nghiệp.
Cô dừng xe trước một cơ quan lớn, hàng chữ hình như viết trật văn phạm nếu Lụa cảm thấy mình không quá dốt tiếng Anh, cô gửi xe đạp và bước qua người gác cổng tự tin hơn bao giờ hết.
- Chắc là con gái ông giám đốc?
Gã thanh niên vừa lúc lắc chùm chìa khóa vừa nói bóng gió. Anh ta không biết con bé học trò có biệt danh là Tiểu Muội kia đã mười bảy tuổi. Cô đang bẻ gãy sừng trâu bằng tờ báo đăng mục tìm người làm cầm ở trong tay.
- Em đi đâu đây?
Lụa lí nhí trong cổ họng khi bị một người đứng tuổi mặc veston thắt nơ đỏ chặn lại.
- Dạ, cháu đọc báo thấy ở đây cần người làm.
Cô lục trong túi xách tìm tờ báo, nhưng anh ta búng tay
- Không cần thiết, tôi tên Tám, anh Tám chánh văn phòng, em lại đằng kia ngồi chờ đợi.
Chỉ chờ có thế Lụa bước về góc anh ta chỉ, cô không chịu nổi mùi nước hoa chỉ dành cho đàn bà đang toát ra từ tấm thân to bè bè bệ vệ đó. Người đàn ông tên Tám đến bên chiếc máy điện thoại kiểu mới, anh ta không gọi điện thoại, anh ta hôn cái chụt vào một bên má người phụ nữ mặt đầy phấn đang gác cằm lên máy.
- Tướng con nhỏ như đầm, cưng thấy thế nào là lưng ong chưa? Ðó. Vậy đó. Tại sao nó lại mặc áo dài? Mặc váy thì tuyệt. Con nhỏ như Claudia Cardinal. Cho làm việc trên Ðà Lậ là nhất. Sao, cưng nói gì? Ghen à? Cuộc đời này phải thay cảm giác như thay quần áo. Ðó. Vậy đó.
Cũng may Tiểu Muội không nghe được, mà cô cần quái gì phải quan tâm đến người đàn ông tên Tám kia. Cô đem mười bảy tuổi của mình quẳng xuống dãy ghế bọc nệm ngồi chờ đợi. Chờ cái gì? Không ai biết, việc làm cho khả năng thơ dại về sinh ngữ của mình ư, thì cứ việc ngó ra xung quanh: hơn bốn mươi thiếu nữ mơn mởn, họ bước vào trường giác đấu La Mã của nghề du lịch để cuối cùng chỉ được chọn hai người. Và chọn xong để làm gì? Chưa biết. Chỉ biết trước mắt hơn bốn mươi sinh vật được cưng chiều nhất đối với hơn bốn mươi người đàn ông sau này đang tỷ thí với nhau. Lụa tuyệt vọng, cô đưa mắt cầu cứu những kẻ đồng hành, vô ích, họ đang thích thú khen chê lẫn nhau, máu con gái mà.
- Ê, con nhỏ kia chơi đồ mô-đen quá. Phải biết vậy tao xài cái áo nhung hở lưng thì trên “cơ” rồi.
- Chưa chắc, mày thấy em bé áo dài trắng mới vô không, lạng quạng trúng tuyển nghe, mấy cha du lịch khoái cây nhà lá vườn lắm.
- Mày làm như thi hoa hậu áo dài không bằng…
- Thì vậy đó bồ tèo, bộ mày tưởng vô đây chỉ để làm hướng dẫn viên du lịch hả?
Lạy Chúa, Lụa lạnh toát cả người, cô không sợ họ đụng chạm gì về mình qua những lời khen chê kinh nghiệm va sành sõi, họ hơn tuổi cô mà, họ có quyền. Nhưng cô sợ mục đích của sự tuyển dụng. Nếu thế thì… Lụa chưa kịp đứng dậy thì đã bị một bàn tay ấn xuống. Bàn tay thon thả như tơ và biết trườn như rắn.
- Trời đất, mày hả Lụa ?
Lụa ngước nhìn lên, cô vừa chán nản vừa ngạc nhiên.
- Ủa, Phù Thủy !
Một khuôn mặt búp bê đẹp sớm trước tuổi nhìn cô phân trần:
- Suỵt, đừng hét tên biệt danh của tao lớn như vậy, đây không phải là sân trường…tao cũng phiêu lưu như mày Lụa ơi.
Ðúng rồi, ở đây xuấy hiện Phù Thủy thì cơ quan này sẽ bị “ếm bùa” mất, họ sẽ đuổi cổ bạn của Lụa đi ngay, biết điều hai đứa nên tìm một chỗ nào đó kín đáo mà tán chuyện.
Hai cô lôi nhau xuống quán Cà phê Vidéo phía sau phòng chờ đợi.
- Cho hai ly ca cao sữa nóng.
Phù Thủy tỉnh bơ gọi người hầu bàn. Một thanh niên tiến lại theo điệu nhảy Slow, trên cổ anh ta cũng thắt một cái nơ đỏ, đáng lẽ cái nơ này phải nằm trên tóc các cô chứ.
- Chào hai công chúa.
- Tụi này không cần làm công chúa, mà cần ca cao thôi bạn ơi.
Nhìn hắn tiu nghỉu bỏ đi, Phù Thủy cười ngất:
- Mày biết tao thừa tiền mà Lụa, Tao chẳng những là con nhà giàu mà con là Phù Thủy nữa nghe. Ơ, sao ngồi chi buồn hiu vậy Muội?
Lụa buồn thật. Buổi sáng trở nên vô lý hết sức khi hai cô học trò cùng đi kiếm việc làm, cứ như một trò chơi nhảy dây, đánh đũa lúc còn bé bỏng. Cô thấy mình giận dữ:
- Tao thì đã đành, tao muốn giúp đỡ má tao, còn mày đâu đến nỗi túng thiếu, nhà mày còn nuôi người làm mà Len?
Té ra thì Phù Thủy tên cúng cơm là Len, Len đi cùng với Lụa, hai loại vải mịn màng khác nhau, cái dùng cho mùa lạnh, cái dùng cho mùa nóng. Mà thật vậy, hãy nhìn Len nóng rực: mắt biếc, môi hồng, cô đẹp man dại như một nàng Carmen lãng tử và liều lĩnh. Cô mím môi:
- Tao sẽ bỏ trường luôn.
- Lý do gì?
Lụa bồn chồn:
- Chán.
- Chỉ có chán thôi à?
- Ừ, ông bà già bắt tao nộp đơn y khoa nhưng đừng hòng, tao sợ xiềng xích lắm rồi.
- Ai trói mày mà xiềng xích?
- Cuộc đời trói, trường lớp trói, gia đình trói, phải xổ lồng Lụa à.
“Phải xổ lồng Lụa à”, câu nói đơn giản, dửng dưng, lạnh lùng. Lụa không ngờ Len đã có quyết định như thế. Trong lớp, ba đứa chơi rất thân với nhau. Nhung, Lụa, và Len. Trần Thị Như Nhung, Hoàng Thị Thanh Len, và Phan Thị Tơ Lụa. Không ai lạ gì tính tình Len, cô có biệt danh là Phù Thủy vì sự phá phách cô đơn của mình. Lụa nhớ không lầm Len đã từng dám hút thuốc dù sau đó ho sặc sụa, từng bôi kẹo cao su vào ghế thầy cô giáo dù sau đó vẫn còn tiếc rẻ là chưa thí nghiệm một cây kim đi kèm. Len sôi nổi hồn nhiên như con trai ngược với Nhung Công Chúa. Giữa Nhung và Len có một mối thù dễ thương như cổ tích. Hai đứa với hai biệt danh khác nhau đều thề là sẽ tìm cho ra Hoàng Tử và Chú Lùn, bởi vì hai cô đều mê truyện “Bạch Tuyết và bảy chú Lùn”.
Lý luận của Len về hoàng tử:
- Hắn là một tên cơ hội ái tình, hắn không thể nào yêu Công Chúa bằng Chú Lùn được.
Lý luận của Nhung về Chú Lùn:
- Kẻ càng thấp bé thì càng đáng thương, làm sao mà so sánh với Hoàng Tử được, chàng biết chọn thời điểm để đánh thức nàng dậy, chàng là người rành khoa tâm lý nhất trên đời.
Lý luận của Lụa về Nhung và Len:
- Từ đây, tao đặt tên cho con Nhung là Công Chúa, con Len là Phù Thủy, vì chính hai đứa bay sẽ sắm vai trò đó.
Vậy là chết tên. Nhung xinh như mộng, sang trọng kiểu cách khác gì Công Chúa. Len lả lơi, rực rỡ và dữ dằn thì đúng là Phù Thủy ba đời rồi. Chỉ còn mình Lụa, Cô bé bỏng và nghèo quá nên phải làm Tiểu Muội mà thôi. Len đến lớp bằng xe Cub, Nhung đi học bằng xe hơi, ba cô gái không hề biết rằng xã hội sẽ rào giậu tình bạn thơ ngây của họ lại. Chuyện đó có vẻ đời xưa quá, nhưng quả thật chuyện đời xưa đang xảy ra tại văng phòng của một Công ty du lịch bây giờ.
Lụa nói khi hai ly ca cao đã vơi đi phân nửa:
- Len ơi, mày phải nhớ mày mới có mười bảy tuổi.
Phù Thủy cười khây, cô búng tay gọi người hầu bàn thắt nơ đỏ:
- Cho tôi một điếu thuốc đầu lọc.
Anh ta trố mắt.
- Loại gì?
- Bất cứ loại gì, cám ơn trước.
Cô quay lại ngó vào mắt Lụa.
- Tao đoán buổi sáng trước khi đi đến đây, bà già mày có nói với mày câu đó, đúng không? Mười bảy tuổi à, dẹp đi Muội, ngừơi lớn bất công lắm, họ đàn áp mình bằng đạo đức, bằng lễ giáo, bằng cả pháp luật, trong khi họ sống ngược lại những điều ấy. Tại sao ba tao có quyền nói với má tao “Cho anh thảnh thơi một chút, anh thừa tiền đưa em, anh cần cái anh thiếu: bạn bè và một chút lãng mạn”, tại sao má tao có quyền nói với ba tao “cho em dung dăng dung dẻ một chút, nhà dư người làm mà anh, em cần cái em thiếu: chơi hụi và đánh tứ sắc”, tại sao tao không có quyền nói được gì? Muội à, hôm nay tao sẽ nói, và nói với riêng mày “Ông bà hãy để tôi yên, tôi tự lo cho mình được, tôi chỉ cần tự do”
Lụa muốn khóc, tại sao cô lại muốn khóc trong khi những điều Len nói xa lạ với đời sống cô hoàn tòan? Má cô không trẻ trung như cha mẹ Len chính bà mới có quyền phát biểu về sự chịu đựng. Cô còn nai tơ lắm. Về bàn bún riêu như má thôi. Tự nhiên cô nắm chặt tay Len.
- Tao thương mày ghê gớm Phù Thủy ạ, vì nhà tao theo đạo, nên tao sẽ cầu nguyện Chúa phù hộ cho mày.
Len cảm động, ít ra cô cũng giảm sút sự tự tin của mình.
- Tao cũng thươnt mày nhất, nhưng vì tao theo đạo Hồi nên Thánh Ala bắt tao phải tử đạo thôi.
Rồi rất dứt khoát, Len đứng dậy trả tiền và bước vào phòng Tổ chức, người ta đã gọi đến tên cô.
3.
Nếu có Chúa, thì lạy Chúa, Ngài đã cố tình sắp xếp một ngày không may mắn cho Tiểu Muội. Cô vừa đạp xe ra khỏi cửa thì trời mưa và luống cuống thế nào đó để cho xe đâm sầm vào gốc cây me đường Nguyễn Thị Minh Khai. Một chiếc xe xích lô trờ tới kịp thời.
- Ướt hết cô bé ạ, lên xe anh chở về nhà không thì cảm lạnh chết.
Trời đất Lụa tự nhiên khóc oà, cô hết muốn làm người lớn, cô hết muốn vấn đầu soi gương rồi, tuổi mười bảy trả giá đắt như Phù Thủy phải trả thì cuộc đời này ác quá chừng. Cô khóc cho hồn thơ ngây bị lấm lem, dù là mới chỉ bị dơ bẩn bởi sự suy nghĩ.
- Lại còn khóc nữa, trường hợp ngoại lệ thật.
Anh chàng đạp xích lô vừa xuống xe vừa đấm ngực, anh lặng lẽ khiêng xe đạp cô lên. Dáng anh đổ xuống Lụa cao và ấm áp như một vòm me giữa mưa. Cô không biết khi nào thì mình ngồi trong lòng chiếc xe và khi nào thì mưa tạnh. Chỉ nghe lời một bài hát nào đó văng vẳng “…ai về mua lấy miệng cười, để riêng tôi mua lại mảnh đời thơ ngây thơ…” Lụa bừng tỉnh hoàn toàn, cô tự nhủ thầm “Chúa ơi, mày yếu đuối quá nghe Gái”. Cô quay hết thân người nói lớn:
- Anh vừa hát đó phải không?
Mưa tạnh từ lúc nào, Sài Gòn mau mưa mau nắng, con người mau giận mau quên. Cũng như anh chàng đạp xích lô nghệ sĩ kia, anh ta không để ý tới lời hỏi thăm của một cô gái tuyệt vời là Tiểu Muội, anh ta vẫn nghêu ngao hát “Nàng về có nhớ nhớ ta chăng, ta về về ta nhớ hàm răng cô nàng cười”. Lụa hoảng hốt tự hỏi lại mình: “Mình đã cười với anh ta tự lúc nào, lúc khóc chăng, vậy thì trật lất, anh chàng chỉ giỏi tưởng tượng”. Nhưng mặc kệ anh ta và cái nghề khốn khổ hay bị thổi phạt của anh ta, vấn đề là bản nhạc, một bản nhạc mà Lụa chưa được nghe bao giờ. Cô nói thật to như gào lên khiến anh chàng im bặt:
- Anh hát nhạc của ông nào vậy?
Anh ta cười hì hì:
- Nhạc tiền chiến đó cô bé.
- Em không bao giờ nghe.
- Nhạc “nội bộ” mà cô. Buồn buồn hát cho đỡ nhớ.
Lụa thấy vui vui trước câu trả lời ngộ nghĩnh, cô gái tò mò:
- Lời dễ thương quá.
- Ừ.
Anh chàng rung đùi thú vị.
- Cô bé nhận xét khéo ghê, khi tâm hồn nhạc sĩ như một tờ giấy trắng thì bài hát tất nhiên sẽ có lời dễ thương. Ðể tôi hát lại cho cô bé nghe nhé.
Thế là sự lạ lùng đã xảy ra, một chiếc xe xích lô như mọi chiếc xích lô khác đang lăn trên đường phố, có khác là người tài xế kiêm thêm nghề ca sĩ và có khách ngồi xe là một tín đồ âm nhạc thực thụ. Không ai trong hai ngừơi muốn chấm dứt trò chơi trẻ con này, có điều sắp đến đường Hồ Biểu Chánh, có nghĩa là sắp đến nhà Lụa.
Ðã nói trước là Thượng Ðế cố tình sắp xếp một ngày không may mắn cho Tiểu Muội. Ngài tiếp tục một nước đi cắc cớ cuối cùng. Chiếc xích lô vứa quẹo qua con đường nhỏ thì một chiếc xe nhào đến ép chặt vào lề, vũng nước dơ nằm phục kích từ trước bắn ướt Lụa và anh chàng đạp xe. Trong sự bất hạnh của kẻ yếu, gã tài xế xe hơi cười thích thú.
- Áo dài người đẹp nhiều màu ghê, kỹ niệm gặp nhau lần đầu nghe.
Hắn chưa kịp rồ ga bẻ tay lái để biến mất thì nhanh như chớp, một bàn tay thép nguội đã nắm lấy cổ áo hắn, tay kia mở chốt cửa trước lôi hắn ra khỏi xe. Lụa không biết bằng cách nào, anh chàng xích lô đã hành động như một phù thủy chính hiệu, phù thuỷ thật chứ không phải biệt danh đặt cho Len đâu. Anh ta thực hiện cùng một lúc bốn động tác: ghì thắng xe cho cô khỏi té, nhảy xuống lao về chiếc xe hơi, nắm cổ áo kẻ khiêu khích, mở toang cửa. Chắc dân trinh sát đặt công gì đây mà-Giả dạng thường dân để biết tâm tình mọi người chắc. Thảo nào kiến thức rộng mà lại hát hay nữa. Cô mới suy nghĩ đến đó thì gã tài xế đã ăn liền hai cái tát.
- Mày không phải là Chúa, nên tao tát mày đủ cả hai bên.
Gã tài xế chỉ biết cúi gằm mặt, đưa tay lên đỡ, nhưng anh không đánh nữa, anh buông một câu chửi thề độc địa. Hãy coi tên công tử: hắn ăn mặc như đi nhảy đầm, hắn làm Lụa lợm giọng nhớ đến người đàn ông tên Tám, chắc cũng là một thứ văn phòng gì đây. Chợt có tiếng hét trong xe hơi như cầu cứu:
- Lụa ơi, mày quên tao rồi hả, Nhung đây, mày can giùm mấy ảnh, anh tao điên rồ lắm, ảnh không biết mặt mày.
Chúa ơi, hóa ra là xe hơi của Công Chúa, Công Chúa Nhung kẻ thù của Phù Thủy Len. Hóa ra gã tài xế đỏm dánh kia là anh trai của nó, đến nước này thì không còn gì để nói. Lụa kéo tay người hùng ca sĩ của mình về trước khi mọi người trong hẻm lục đục kéo ra.
- Thôi bỏ qua đi anh, xe xủa bạn em mà.
- Ừ, bỏ qua vì cô bé đó.
Giọng anh dịu dàng và trầm hẳn xuống, khác với lúc rít lên như con thú nhảy bổ vào đối phương. Anh chàng phủi tay như phủi một cái gì dơ bẩn. họ lại leo lên xe. Một số ngừơi hiếu kỳ bu quanh xe hơi, hình như họ giơ nắm đấm đe dọa gã tài xế anh trai của Nhung, toàn là dân đạp xích lô với nhau cả, họ đoàn kết như ruột thịt khi xảy ra biến cố với đồng nghiệp, chỉ trừ lúc giành khách. Ðời mà.
- Ðời mà!
Anh chành buông một câu cụt ngủn khi khiêng chiếc xe đạp cô xuống. Nhưng Lụa chưa xuống ngay, cô còn thắc mắc một điều không giải thích được.
- Anh là “công an” phải không?
- Bậy quá tôi bị mấy ông thanh tra Catani phạt hoài.
- Vậy sao anh có “võ”?
- Ðó đâu phải là võ, đó là ý chí, con người ta thiếu ý chí thì không thể hành động thành công được.
- Anh không sợ nhà giàu sao, họ đầy thế lực…
- Tôi chỉ sợ các cô gái nghèo, một đứa con gái đẹp mà dắt theo một chiếc xe Cub hoặc cười rú lên trên một chiếc xe hơi thì khác gì một con búp- bê vô hồn.
Lụa nghe anh nói một cách cay đắng, nếy những lời này đến tai Nhung? Còn Len ư? Nó có thể coi anh chành là thần tượng. Cô bỗng cảm thấy anh bí mật quá, cô không muốn chia tay sớm thế.
- Anh có tin sự thơ mộng tồn tại trên đời này không?
Cô tự trách mình đã hỏi một câu cực kỳ lãng xẹt, nhưng kìa, anh chành đột ngột lặng im, có thể một phút, có thể sáu mươi giây, có thể… cho đến khi anh đặt tay nhẹ nhành lên mái tóc cô, mái tóc bị lấm nước dơ của chiếc xe hơi người bạn học. Anh nói:
- Cô bé tên gì vậy?
- Em là… Tiểu Muội.
Trời đất, Lụa lại tự trách mình đã trả lòi một câu Hồ Quảng hết sức, nhưng kìa, sao anh nghiêm nghị đến thế.
- Tiểu Muội có nghĩa là gì vậy cô bé, có phải bà lão đang băng qua đường có một thời như cô bé hay không? Hãy nhìn ông cụ đang dìu bà lão đi, đừng thắc mắc về tuổi tác của hai chiếc gậy, lắng nghe ông cụ nói “bà nó ơi, dịu dàng lên chứ mụ”, dịu dàn lên chứ mụ, câu đó theo tôi chữ “mụ” ở đây đích thị là Tiểu Muội chứ còn gì phải bàn.
Anh ta tát nhẹ vào má Lụa.
- Ðồng ý không em? Mặc cho Lụa tròn xoe mắt, anh phóng người lên yên xe. Phải kêu anh chàng bằng tên nào đây? Lụa gọi vói theo , anh lại càng chẳng quan tâm đến tên thật cô nữa.
- Anh cho em biết tên chứ?
- Vương!
Câu trả lời gọn lỏn, cụt ngủn như một dấu chấm. Tên cực đẹp nhưng người thì cực... kỳ.
daithanhxk
20-09-2012, 10:14 AM
Chương 2: MỘT NGÀY CỦA CÔNG CHÚA
1.
Nhung ngả lưng trên tấm nệm dầy khoảng ba tấc là ít, nàng duỗi hết tuổi mười bảy của mình trên những tiện nghi thừa thãi dành cho một cô gái được cưng chiều. Trong phòng bày biện vừa sang trọng vừa trang nhã. Hai bức tranh treo tường sao lại kiệt tác của hai danh họa Leona de Vinci và Van Gogh. Bức tranh vẽ một phụ nữ cười hết sức bí hiểm và bức tranh vẽ một người đàn ông tự cắt lỗ tai mình. Phía đầu giường nằm là một bình hoa bằng thủy tinh loại đắt tiền, chỉ cắm một loại hoa duy nhất nàng yêu thích: Hoa huệ trắng. Chiếc đàn dương cầm nằm ở một góc sát bàn học nơi Nhung có thể trổ tài nghệ điệu luyện của mình qua những ngón tay ngà lướt phím, nếu nàng cảm thấy sách vở quá chán nản. Rồi bồn tắm nước nóng nước lạnh. Rồi gương lược. Rồi tủ cẩm lai treo quần áo. Rồi…nàng thở dài.
Nhung quá mệt mỏi trong mùa hè này, nàng dự định thi vào trường Nhạc nhưng quyền lực của gia đình dặn rằng hãy cứ việc nghỉ ngơi. Nghỉ ngơi đối với con gái cưng một tổng giám đốc là đi du lịch khắp nơi cho khuây khỏa đầu óc và cho biết. Biết được vị trí của mình trong xã hội và biết mình sinh ra là lá ngọc cành vàng. Phải vậy không Nhung? Như bây giờ nàng đang duỗi dài cơ thể trên một chiếc giường nệm dày ba tấc là ít ở Vũng Tàu, trong phòng riêng ngôi biệt thự nghỉ mát của gia đình nàng, tự biết mình trống rỗng, cô độc, nhớ bạn bè và thèm ăn những trái ổi chuyền tay trong lớp học. Mùi hoa huệ thơm ngát, lý do gì Nhung yêu nó, không thể giải thích được, nàng đã ghiền mùi thơm của hoa huệ trắng từ nhỏ khi đi ngang qua các nhà thờ, cho dù gia đình nàng theo đạo Phật. Phải chăng huệ trắng là từ bi như Ðức Mẹ, quyến rũ chất tinh khiết trẻ thơ trong tâm hồn nàng, hoa huệ làm dịu lòng bao nhiêu thì hai bức tranh treo tường lại làm nàng bực mình bấy nhiêu. Hỡi Mona Lisa, bà không thể có thái độ rõ ràng hơn được sao, hoặc cười hoặc không cười, và hỡi ông họa sĩ bậc thầy Van Gogh kia, tại sao ông lại cố tình hành hạ mình như thế?
Làm sao Nhung biết tường tận ý nghĩa thiên hạ được, bởi vì nàng là Công chúa. Công chúa thì không bao giờ đói bánh mì và sữa, nàng chỉ đói truyện cổ tích mà thôi. Cha mẹ và các ông anh chẳng qua là Bảy Chú Lùn có nhiệm vụ bảo vệ săn sóc nàng, còn anh chàng Hoàng tử ở đâu vậy? Này cô Phù Thủy Len hung dữ của tôi ơi, cô đang ở đâu, hãy đến cho tôi một trái táo tẩm thuốc độc để tôi nằm mơ đợi chàng. Tôi tồn tại nhờ sự huyền diệu. Thử hỏi không có sự huyền diệu thì cuộc đời này đáng chán biết chừng nào.
Có tiếng gõ cửa phòng. Không chờ Nhung ra mở, cánh cửa đã tự động hé ra. Một người phụ nữ đầy uy lực bước vào, chỉ có mẹ mới gan như vậy. Bà quý tộc do một ngôi sao nào đó chiếu mạng hay vì là vợ một ông tổng giám đốc, chỉ có trời mới biết. Riêng bà biết bà là gì.
- Nhung ơi, thay đồ tắm biển con. Biển đẹp lắm, ít sóng và không có cờ đen.
- Thôi mà mẹ, cho con nghỉ một chút đi, con lại thích nhiều sóng hơn.
Người đàn bà vẫn ngọt ngào:
- Ôi! Công chúa của mẹ, chắc con còn giận thằng anh con chứ gì?
Nhung quay đầu úp mặt xuống gối.
- Hơi đâu mà căm thù ảnh, con đâu lạ gì tính anh Hai, ảnh chỉ biết có tiền.
Nàng xoà năm ngón tay ra.
- Ngón cái là đô-la, ngón trỏ là xe hơi, ngón giữa là các cô gái, ngón áp út là nhảy nhót, nhưng còn ngón út thì coi chừng. Nó sẽ phản lại ảnh. Mẹ cứ nói con là ngón út của anh đó.
Người đà bà bắt đầu thấy khó chịu.
- Mẹ cho rằng tuy nó có lỗi khi ép xe bạn gái con, nhưng rõ ràng nó đâu biết mặt con Tơ Lụa nào đó, còn thằng đạp xích lô gốc gác cỡ nào mà lên mặt làm anh hùng, cha con nói đám bình dân bây giờ lộn xộn lắm, tụi nó hay yêu sách này nọ liên tục, thằng xích lô này thuộc loại tầng lớp đó chứ sao?
Ðến lược Nhung khó chịu, nàng bịt hai vành tai lại.
- Con khuyên mẹ xuống tắm trước đi, biết vậy chẳng thèm kể cho mẹ nghe chuyện hư đốn của anh Hai, lát nữa con sẽ xuống.
Người đàn bà ngần ngừ, bà thương Nhung biết chừng nào, nhưng rõ ràng cha mẹ sinh con trời sinh tính, nó muốn tách lìa khỏi bà, đâu có được, uống nước phải nhớ nguồn nghe Công chúa, bà ngồi xuống giường hôn lên trán con.
- Thì mẹ chìu con đấy, mẹ và các anh con tắm biển trước, chịu không? Con nhớ ghé bãi riêng của gia đình mình nghe, độc quyền của cha con đó.
Nhung ậm ừ để người đàn bà không nói nữa. Nàng cười buồn bã khi thấy mẹ mình đóng cửa lại. Bãi tắm mà cũng độc quyền ư, cho dù chỉ là một góc Vũng Tàu? Trời Phật ạ, làm gì mà vương tước đến thế, điều đó chỉ càng làm nàng bị bạn bè xa lánh hơn.
Nhung mở toang cửa sổ và nằm suốt bốn tiếng ngó buổi chiều. Trong vòng bốn tiếng núi đá đang xanh bỗng tím sầm lại. Gió lùa vào khoảng không lồng lộng chẳng bức vách nhân tạo nào ngăn được. Tiếng gió rít lên như tiếng nói, hanh khô, sắc gọn, rát bỏng. Vũng Tàu không phải là bãi biển đẹp trong tâm hồn Nhung, dẫu cho dân thành phố xuống đây như đi hội chợ, dù hoa đủ màu, ghế nằm đủ sắc. Bởi Vũng Tàu có vẻ đô thị quá, nó như một bãi biển nằm giữa trung tâm Sài Gòn. Chẳng phải vậy sao, cũng những khuôn mặt phì nhiều vì mỡ ấy, cũng xe cộ bảng xanh bảng trắng ấy, cũng những lon bia sủi bọt, cái nhìn dục vọng đỏ gay, chỉ khác với thành phố là ở đây thoải mái cởi áo quần ra, còn ở Sài Gòn thì liệu hồn: phạt vi cảnh ngay đấy.
Một luồn không khí mát tràn đến, sắp mưa phải không, sao trái tim Nhung toàn hơi nước? Hẳn là mưa đến nơi rồi. Nếu có mưa thì mình tắm, Nhung tươi hẳn lên và rời khỏi giường. Nàng chọn bộ áo tắm màu đen lạ mắt.
2.
Ra đến trước ngoài bãi, nàng mới biết mình dại dột. Nước da Nhung trắng như bông, thân thể nhún nhảy trong động tác chạy như một con sơn dương đang khiêu vũ, đôi vú mới lớn đã qua rồi cái thời kỳ “quả cau nho nhỏ, cái vỏ vân vân” để biến thành sự sống tròn trịa toàn con người nàng toát ra sự mời mọc. Chỉ trừ đôi mắt, đôi mắt trong veo cổ tích lạc lõng trong cái dáng của một cô đào xin-nê.
Công chúa băng mình xuống bãi tắm riêng biệt quen thuộc, ở đó cả gia đình nàng đang nằm dài phơi nắng trên những chiếc ghế xếp trang trí đầy hoa văn.
- Cuối cùng con gái mình cũng nhập cuộc.
Người đàng bà dụi đầu bào một người đàn ông trung niên nói nhỏ, họ có vẻ hài lòng. Tiếng của một thanh niên:
- Con bạn mày kháu thật, Nhung ơi.
Công chúa bĩu môi không thèm trả lời gã thanh niên từng bị ăn hai cái tát bất ngờ, nàng lao mình vào nước mặn, nước mặn như nước mắt nàng tiên cá, nơi có thể làm cho nàng quên đi những phiền toái tầm thường. Nhung bơi càng lúc càng xa, bởi vì mưa không rớt như nàng dự tính, nàng quyết định làm cho thân thể mình thật lạnh thay cho những giọt mưa. Bạch Tuyết ngày xưa đâu có được tự do bơi ngoài biển, Công chúa suốt đời chỉ ngủ trong rừng. Trong rừng dễ có ma lắm nếu thiếu một chàng Hoàng tử. Nhưng cũng dễ gặp cá mập ở biển lắm nếu thiếu một người che chở. Ai vậy hỡi ông trời xa lắc? Tôi đang bơi như con bướm đây sau khi tôi bơi như con ếch như con rắn, tôi bơi ba kiểu để trở thành con người quý tộc. Tôi sẽ không bơi ngửa ở biển vì như thế xấu lắm, con gái chỉ có thể khoe nhan sắc mình cho một người con trai duy nhất, mười bảy tuổi tôi chưa hình dung được chàng Adam đời mình, tôi còn phải thi vào trường Nhạc nữa ông trời ạ.
Nhung lặn một hơi vào bờ, nàng rất ngạc nhiên khi gặp một thanh niên lạ hoắc đang ung dung ngồi chơi đàn giữa vòng vây gia đình mình. Một bài hát lời Việt qua giọng trầm ấm áp của anh ta, nhưng nàng biết chắc đó là bài Serenata của Toricelli “lắng trầm tiếng chiều ngân, nhạc dặt dìu ái ân...”
Khoác chiếc khăn lông trắng vào người cho đỡ trần trụi, Nhung gieo mình xuống chiếc ghế dựa, khoảng cách từ ghế đến gia đình nàng chừng mười thước. Nàng muốn tận hưởng buổi chiều ở biển thật yên tĩnh. Nhưng biển không cho nàng yên, biển rắc nhạc vào tâm hồn nàng. Hết sóng, rồi gió, rồi tiếng guitare. Khúc hoà âm tuyệt đẹp. Vì ở dưới chiều gió nên dù không muốn nghe, tiếng hát anh chàng lạ hoắc vẫn vọng đến “đã quên hết sầu chưa, tình này là gió mưa, người ơi...”. Tiếng hát chấm dứt và anh ta đứng dậy tiến về phía Nhung trong ánh mắt đồng ý của mẹ nàng. Giọng nói của anh ta hơi khàn, anh chàng có lẽ đã uống nhiều rượu.
- Tại sao cô ghét tôi?
- Tôi không nghĩ gì hết?
Thấy bên cạnh còn chiếc ghế trống. Nhung tỏ thái độ lịch sự.
- Mời anh ngồi.
- Cảm ơn cô.
Chàng trai ngồi xuống.
- Tôi là bạn học của anh Hai cô, tôi tên là Ðế.
- Cái gì? Anh tên Ðế à?
Nhung cười ngặt nghẽo:
- Thảo nào miệng anh toàn mùi rượu.
Ðúng lúc đó, ba thanh niên bước qua, họ đều là anh trai Nhung, họ vỗ vai người bạn học cũ.
- Nguyễn Hoàng Ðế là một nhạc sĩ nổi tiếng, em chưa nghe bao giờ sao?
Mặt người nhạc sĩ đỏ ửng, anh ta ấp úng:
- Xin các bạn đừng giới thiệu tôi như vậy.
Vô ích, người anh lớn nhất, kẻ đỏm dáng nhất trong ba người anh, kẻ suýt gây tai nạn cho Lụa như được bắt trớn, hắn huyên thuyên:
- Ðế là thằng bạn đa tài của tụi tao, sáng tác nhạc, tự hát và biểu diễn, chơi được đủ loại nhạc cụ, rất hợp với năng khiếu Piano của mày. Chưa đủ, còn độc thân và có một gia tài khổng lồ do bà nội để lại. Ðúng không Nguyễn Hoàng Ðế?
Tội nghiệp chàng bạn học bất đắc dĩ, chàng co rúm như con tôm trước cuộc tấn công sỗ sàng và chớp nhoáng này. Cũng may cuộc chiến tranh thực dụng bằng ngôn ngữ đã chấm dứt.
- Thôi anh Hai, anh Ba, anh Tư về trước, em nói chuyện với bạn anh xem sao, hắn đang cô đơn vì biển đấy.
“Ừ, các anh cút hết đi” Nhung định hét lên như vậy nhưng nàng dằn xuống được. Hãy liếc về cha mẹ nàng, họ đang dụi đầu vào nhau, họ đang biểu diễn một quan điểm ngoại giao đầy tinh tế hãy làm quen với chàng nhạc sĩ lừng danh nầy đi, người lớn đã nghiên cứu rồi, không thể nào trật được, có tài có tiền có khuôn mặt hiền từ một cách khả ái, không bao giờ lỗ đâu, lý lịch cha mẹ đã nắm, đường tiến thân có đồ thị rõ ràng, hãy can đảm lên con gái cưng.
Ðược rồi, Nhung sẽ can đảm ngay, nàng nói:
- Tôi có nghe một số bài hát của anh, cũng tạm được.
- Ðó là do tôi viết trong lúc chưa quá chén.
A, anh chàng cũng khá lém lỉnh, khác hẳn bộ mặt đưa đám lúc nãy, ít ra phải có chút nam tính chứ.
- Anh đi đến đây bằng gì, đi từ lúc nào, cớ sao lại là bạn đám anh đáng ghét của tôi, cha mẹ tôi cớ sao biết anh, và anh muốn gì khi định làm quen với tôi?
Ðế tuyệt vọng đứng dậy, chàng lặng lẽ trở lại chỗ xuất phát, có lẽ định xin lỗi cha mẹ Nhung chăng, ồ không, chàng cầm lấy cây guitare và ngồi bệt xuống cát, gần như bên cạnh Nhung. Sự trả lời được cất lên không bằng cái lưỡi mà bằng nhạc. Âm nhạc bao vây người con gái giữa biển, lúc bi thết lúc nồng nàn, âm nhạc đọc được hết những âm mưu ngỗ nghịch của Nhung, những mơ ước mới lớn và phác thảo chân dung chàng Hoàng tử của nàng Bạch Tuyết. Nhung mở lớn hai mắt, những giọt lệ xúc động muốn ứa ra, không, không phải anh là Hoàng tử của tôi, dù anh hiểu tôi đến tận cùng như vậy, anh xa lạ với lối sống gia đình tôi hoàn toàn, nhưng anh vẫn có thể đùa và thân mật với nó, anh như một nhà tiên tri nhưng không như một Hoàng tử, anh thiếu một con ngựa, một bó cung tên, một thanh gươm thi sĩ, anh chỉ có những cây đàn, điều đó chưa đủ để đánh thức giấc mơ tôi.
Nhung ôm lấy mặt khi Ðế vừa ngưng đàn. Những ngón tay duỗi ra rã rời tưởng có thể bật máu, chàng nói như độc thoại:
- Tôi biết mặc em từ lúc em mới sáu tuổi, rồi mười một, mười hai, mười ba... và sau đó thì quên mất. Tôi không lại nhà em nữa để đi lang thang như một tên lảng tử bô-hê-miêng, thực tế như một tên Kissinger, tham vọng như một tên Hitler chơi nhạc. Không ai ngờ được em lớn nhanh như thế. Tôi đã tự lái xe đến đây, đi trên biển một mình rồi sững sờ nhìn thấy một pho tượng Hy Lạp trôi trên biển. Tôi có quan tâm gì những tiếng kêu thân mật của những bạn cũ của tôi, tôi tự hành hạ mình bằng một bài của Toricelli muộn màng. Pho tượng đã bị sóng đẩy vào bờ và đang sống động như nữ thần trên chiếc ghế. Trời ơi, nếu tôi còng tiếp tục đến nhà em những năm sau đó, thì có lẽ hôm nay chúng ta sẽ chẳng xa lạ cùng nhau. Em hôm nay đã có những ước mơ khác, nhưng đối với tôi không hề gì, tôi quen sống bằng đam mê và bệnh hoạn, tôi không định đầu độc em đâu, bởi vì tôi không thiếu phụ nữ vây quanh mình. Nhưng họ chẳng bao giờ bóp được trái tim tôi, chỉ riêng mình tôi bóp nó chết. Em có thể kích động tôi bóp nó chết được không, tôi chưa thể đoán trước được... Như một kẻ lên đồng sau khi xuất hồn trở về đời sống thực, Ðế thở nặng nhọc, sinh vật Pascal trong chàng mong manh quá, Nhung cảm thấy ái ngại.
- Anh làm sao hợp với cha mẹ và anh Hai em được?
- Có thể họ xấu...
Chàng nói:
- ... Nhưng đã có một thời họ tốt, hồi đó gia đình em còn nghèo, tôi chỉ cần có thế, đã có một thời tôi với anh Hai, anh Ba em gắn bó với nhau, ngay cả lúc chơi bi da và lúc uống cà phê thiếu nợ. Bây giờ gia đìnhem đầy quyền lực và tôi cũng đầy tiếng tăm, nhưng tôi vẫn là tôi muôn đời, tôi là tôi lúc ăn mày cũng như lúc thừa kế gia tài một bà già ích kỷ mà anh Hai em đoán là đồ sộ.
- Anh sử dụng tiền đó như thế nào?
- Thế nào ư?
Chàng móc trong túi một xấp giấy 50.000 đồng ra và định đốt nhưng Nhung kịp ngăn lại, cái bật lữa gaz đã không làm tròn trách nhiệm của nó.
- Thế đó!
Chàng hỏi:
- Tôi có bịnh hoạn không em?
Tự nhiên Nhung cúi đầu xuống, đây là cảm xúc xảy ra lần thứ hai sau khi nghe Ðế chơi đàn. Nàng chán làm công chúa lắm rồi, tạm thời là lúc này.
- Tại sao anh không mời em đi đâu?
Chỉ chờ có vậy, Ðế tiến lại cha nàng:
- Cháu xin phép đưa cô bé đi dạo thành phố, khoảng nửa tiếng thôi.
Quay qua người đàn bà, chàng trân trọng.
- Bác giữ giùm cháu cây đàn, đôi khi bác phải trở thành thiếu nữ một chút với bác trai chứ!
Người đàn ông mập béo cười ha hả, ông tự mãn xoa đầu chàng nhạc sĩ, rồi sau đó khoác vai người đàn bà, họ đi ngược lại hướng hai người tuổi trẻ, họ cần về biệt thự để xoa bóp lưng nhau.
3.
- Em lại sang trọng như công chúa.
Khi hai người ngồi xuống ghế, chàng nói trước. Cái quán ăn nằm khuất sau những ngọn phi lao, ấm cúng và kín đáo nhờ những chụp đèn lạ mắt, nhạc tương đối chọn lọc và quan trọng hơn hết là không có du đảng. Những cặp tình nhân qua một ngày hứng biển đã bắt đầu phơi sương. Ðêm xuống lẹ làng như sóc.
- Anh nói đúng, hồi nãy em làm con người một cách thứ dân, con người dưới đáy. Anh hiểu em như một đứa bạn gái em.
- Cô ấy tên gì?
- Lụa.
- Còn em?
- Nhung.
Chàng xoa tay.
- Nhung và Lụa, các loại vải đắt tiền.
- Không, bạn em rất nghèo.
Ðế không nói gì nữa, chàng im lặng, chàng muốn được làm tri âm của Nhung đêm nay, chàng sẽ ngồi im lặng như vậy mãi nếu Nhung cũng im lặng. Nhưng Nhung không im lặng:
- Anh nghĩ sao về Vũng Tàu?
- Tôi không ưa nó, tôi chỉ ưa biển mà là biển không có người. Biển Duyên Hải chẳng hạn, nó như một cô gái trinh bạch, còn Vũng Tàu bị tha hoá như môt mụ nạ dòng. Em hiểu nạ dòng là gì không, là người đàn bà ái tình sành sỏi, nó đón đủ loại đàn ông vào lòng. Hư quá. Cũng may còn có em, tôi nói thật, tôi cầu cứu đến biển trong một phút yếu lòng ở Sài Gòn. Ai ngờ cái bãi biển ô hợp lại tặng một nàng thánh nữ cho tôi. Tôi nói có quá lời không?
Nhung bình tĩnh, nàng đã qua cơn choáng váng đột ngột.
- Anh không nói quá lời bởi vì anh đang quá chén, phải chưa?
Lần này thì Ðế cười, chàng cũng đã qua cơn mặc cảm thất bại của kẻ đi chinh phục. Như sực nhớ điều gì, chàng lục soát trong túi áo.
- Hãy cầm lấy tấm giấy này, tôi muốn gặp lại em qua một người bạn trai độc đáo.
- Cái gì vậy?
Nhung đưa mắt nhìn qua nội dung. Một hàng chữ vỏn vẹn “Tao sẽ đọc thơ ở nhà văn hoá, quyết định này đối với tao rất bất ngờ. Nhớ đến, Vũ Vương”. Phía dưới là ngày, giờ và một ký hiệu gì coi bụi đời hết sức. Nhung đưa mảnh giấy lại cho người nhạc sĩ.
- Em giữ làm gì bút tích của bạn anh. Em sẽ ghi ngày, giờ và nhận lời đến.
Ðế hoan hỉ ra mặt, chàng bộc lộ tất cả niềm vui của mình.
- Cảm ơn em vô cùng, em biết không, đây là một nhà thơ cực kỳ giang hồ.
- Có giang hồ giống cây đàn của anh không?
Ðế cau mặt.
- Em đã hiểu sai về bạn anh, nó “đàn ông” hơn anh nhiều, muốn là làm, làm không được thì làm lại, không công danh, không địa vị, không tham vọng, nó muốn và nó đau đớn.
- Anh cũng gần như vậy.
- Khác chứ, anh có tiền, còn nó chỉ có đời. Hai cái chưa biết cái nào thắng. Nhưng anh và nó đều thiếu một thứ là... tình nhân loại.
- Ðược rồi, em sẽ đến.
Nhung nói lúc nàng đứng lên.
Họ chia tay ngay trước cửa ngôi biệt thự, cây đàn của chàng nhạc sĩ đã bị bỏ quên như lời của một bài hát. Chàng thì thầm:
- Anh chính là Chú Lùn.
Nhung như muốn ngất xỉu, không lẽ những gì đùa nghịch bằng tưởng tượng giữa nàng và Len đã trở thàng sự thật sao, phải một lúc lâu lắm nàng mới nói được, nàng nói như rên rỉ:
- Ðừng đùa với em. Nguyễn Hoàng Ðế, anh cao lớn như vầy mà...
- Không, anh không đùa, anh còn hai người bạn trai nữa, Thi sĩ là một, Hoàng tử là hai, tụi nó đều cao một mét tám mươi, tụi nó đều gọi anh là Chú Lùn.
- Trời ơi!
Thi sĩ thì chắc là Vũ Vương rồi, còn Hoàng tử, gã là ai vậy?
Chú Lùn bóp chặt bàn tay nàng rồi biến mất trong bóng tối. Nỗi nghi ngờ của Nhung chưa có dịp chấm dứt. Nàng định bước vào phòng riêng thì bị tò mò bởi một giọng đàn ông lạ, một giọng của một kẻ lớn tuổi mà có vẻ quen thuộc.
- Tôi định nói với anh chuyện này anh Bảy!
Ðúng là tiếng chú Tám, Nhung suýt reo lên và tự bụm miệng mình lại.
- Chuyện làm ăn ra sao chú Tám?
Tiếng của cha nàng:
- Tao chỉ có mỗi mày là ruột thịt, nhưng tao không yên tâm chút nào. Cái chi nhánh du lịch tao giao cho chú mày làm ăn ra sao?
- Thì tôi định nói với anh mà anh cứ ngắt lời, tôi sẽ phát triển nó thêm ở Ðà Lạt, tôi xuống Vũng Tàu gặp anh là vì vậy.
Giọng người đàn ông tên Tám nhỏ dần:
- Tôi mới tuyển hai nhân viên nữ “chiến” lắm. Ðứa hai mươi đứa mười bảy.
- Nữa, cũng cái tật đó. Bỏ bớt đi chú Tám, nếu chú còn muốn kinh doanh.
- Thì kinh doanh là phải vậy chứ sao anh Bảy, một đứa rất bảnh chỉ bằng tuổi con Nhung nhà này, nó có vẻ bất cần đời.
- Ai lại sử dụng đứa bất cần đời.
- Bậy, nó có học lại giỏi sinh ngữ tên là Leng Keng gì đó, tôi chỉ tiếc cái con bé kia...
- Cái gì nữa, tuyển đủ hai cô mà.
- Ừ, nhưng cái con bé mặc áo dài trắng bỏ về còn hay hơn nữa, nó như Claudia Cardinal...
Tiếng cha Nhung cười phá lên:
- Ðồ thứ già mất nết, ngủ đi, sớm mai bàn.
N Nhung chặn trái tim mình cho bớt đập. Tại sao có một cô bé nào tên Leng Keng gì đó phải đi xin việc? Còn lâu Phù Thủy mới giở đến trò này, nhưng biết đâu đó, Phù Thủy có bao giờ ghé thăm nhà cô đâu, thôi đừng nghỉ bậy bạ nữa. Nhung ơi, chắc là một sự trùng tên ngẫu nhiên, giờ này hẳn Phù Thủy đang phóng Cub như bay trên đường phố, đừng tìm kiếm người mợ vô vọng nữa. Chú Lùn của nhà ngươi đang ở trong giấc mơ ta đêm nay. Và Công chúa ngủ dễ dàng như một đứa trẻ con no sữa, nàng mơ thấy mình là một cành hoa huệ trắng muốt.
vBulletin v3.6.1, Copyright ©2000-2025, Jelsoft Enterprises Ltd.